Hàn Quốc đang phải chứng kiến làn sóng đình công của hàng nghìn bác sĩ thực tập kéo dài sang tuần thứ 2 liên tiếp, khiến hệ thống y tế chìm trong hỗn loạn, đe doạ gây ra một cuộc khủng hoảng về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ kéo dài.
Tâm bão khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc
Trong khi các bác sĩ phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y mà họ cho rằng không cần thiết, thì chính phủ kiên quyết không nhượng bộ và đưa ra “tối hậu thư” để yêu cầu các bác sĩ quay trở lại làm việc.
Theo một số liệu thống kê, Hàn Quốc hiện có 2,5 bác sĩ trên 1.000 dân - một trong những tỷ lệ thấp nhất trong số các nước phát triển. Vì lẽ đó, chính phủ Hàn Quốc điều chỉnh quy mô tuyển sinh cho ngành y hơn 2.000 người nhằm bù đắp số lượng sinh viên ngành y đã giảm xuống còn 7.000 người, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ngành y đã không hề tăng trong suốt hơn 30 năm qua. Thêm vào đó, tại Hàn Quốc có 17 trường đại học y với quy mô sinh viên ngành y dưới 50 người. Vì thế, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh với mức độ nào đó sẽ giúp các trường đại học y hoạt động suôn sẻ.
Tuy nhiên, điều mà các bác sĩ phản đối là tăng số lượng tuyển sinh, nhưng việc đưa ra các giải pháp cụ thể và quan trọng cải thiện môi trường y tế, chế độ lương phù hợp đối với các đối tượng chuyên môn trong ngành thì lại không có. Điều này có thể sẽ dẫn đến một sự mất cân đối trong tương lai.
Về phía chính phủ lại cho rằng việc các bác sĩ đồng loạt thôi việc là hành động cực đoan lấy tính mạng của bệnh nhân làm "con tin" nhằm “ép” chính phủ. Cũng có ý kiến cho rằng, lập trường này của chính phủ nhằm mục đích phản bác lại tuyên bố của Hội đồng Giáo sư ngành y Hàn Quốc, có nội dung chỉ ra rằng Chính phủ chịu trách nhiệm lớn nhất về việc các bác sĩ nội trú nộp đơn thôi việc tập thể và sinh viên ngành y nộp đơn xin nghỉ học bảo lưu kết quả học tập.
Lập trường các bên đều đang rất gay gắt, chưa có sự thương lượng nào để giải quyết vấn đề.
Lỗ hổng y tế
Báo chí Hàn Quốc cho rằng, thu nhập giữa các các bác sĩ thuộc các lĩnh vực khác nhau tại Hàn Quốc có sự chênh lệch rất lớn gây ra nhiều bất cập. Nhìn một cách tổng thể, ngành y tế Hàn Quốc đang phải đối diện với vấn đề “lỗ hổng y tế”.
Nhiều bác sĩ thôi việc đã khiến hoạt động khám chữa bệnh ngừng trệ và bệnh nhân là người phải chịu thiệt thòi nhất. Đáng lo ngại là tỷ lệ tử vong do không kịp thời cứu chữa có thể gia tăng. Vừa qua, một bệnh nhân ngoài 80 tuổi bị tử vong do ngừng tim sau khi bị 7 trung tâm cấp cứu tại thành phố Daejeon từ chối tiếp nhận. Hàn Quốc hiện không trong tình trạng khẩn cấp như hồi dịch Covid-19 nhưng lại có bệnh nhân tử vong do không có bác sĩ cấp cứu là một điều khó chấp nhận. Ngay cả Bộ Y tế Hàn Quốc cũng cho rằng việc các bác sĩ ngừng việc tập thể ở quy mô lớn là chưa từng xảy ra ở quốc gia nào trên thế giới.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa chính phủ với ngành y tế cũng như với các Hiệp hội Y học có thể sẽ gia tăng và khó giải quyết. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã tố cáo lên Cảnh sát 5 người thuộc Ủy ban đối sách khẩn cấp Hiệp hội Y học Hàn Quốc (KMA) với cáo buộc vi phạm Luật y tế, xúi giục và kích động hành vi gây cản trở công việc. Đây là lần đầu tiên Chính phủ tố giác các bác sĩ.
Tính mạng người dân là quan trọng
“Không đàm phán, không thoả hiệp” là tuyên bố của Tổng thống Yoon Suk Yeol trong tâm bão khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc hiện nay. Tuyên bố này được cho là nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật của một quốc gia.
Nhưng trên thực tế, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ sinh mệnh của người dân như đang vận hành phòng cấp cứu tại 409 cơ sở cấp cứu trên toàn quốc 24/24 giờ, đảm bảo không để xảy ra trở ngại nào đến tình trạng khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế công cộng sẽ vận hành hệ thống khám điều trị khẩn cấp. 97 bệnh viện công cộng sẽ kéo dài thời gian thăm khám trong ngày thường, cũng như triển khai khám chữa bệnh vào cuối tuần và ngày nghỉ lễ. 12 bệnh viện quân y cũng sẽ mở cửa để khám và điều trị cho người dân thường, phòng cấp cứu và mở rộng thăm khám cho bệnh nhân ngoại trú trong trường hợp cần thiết.
Chính phủ có kế hoạch sẽ cho phép việc khám chữa bệnh từ xa trong thời gian đội ngũ bác sĩ nội trú nghỉ việc tập thể, để các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và bệnh nhân nhẹ không gặp khó khăn trong việc tiếp cận với cơ quan y tế.
Chính phủ cũng công bố danh sách các cơ sở y tế, hiệu thuốc mở cửa, đảm bảo các bệnh nhân có thể khám chữa bệnh trực tuyến.
Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho rằng, các vụ kiện tụng liên quan tới tranh chấp y tế làm gia tăng là gánh nặng cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Chính phủ cũng sẽ tiến hành sửa đổi Luật giảm nhẹ thiệt hại do sự cố y tế và hòa giải tranh chấp y tế, bắt buộc nhân viên y tế tham gia bảo hiểm trách nhiệm. Bộ Y tế sẽ tiến hành trưng cầu ý kiến về hai dự luật vào ngày hôm nay (29/2).
Trong khi đó, chính phủ vẫn cứng rắn và đưa ra lệnh rằng ngày hôm nay là thời hạn làm việc trở lại của các bác sĩ, nếu không sẽ bị xử lý bằng pháp luật bao gồm cả việc đình chỉ giấy phép hành nghề.
Dù thế nào chính phủ và các bác sĩ Hàn Quốc cần phải nhanh chóng đưa ra những thỏa thuận ban đầu và điều tối quan trọng là phải tôn trọng quyền lợi khám chữa bệnh của người dân được thông suốt.
Ngành y vốn được đánh giá là ngành kém hấp dẫn tại Hàn Quốc do vất vả, nhiều rủi ro lại có thu nhập không thoả đáng nên nhiều năm qua không thu hút được đủ nguồn nhân lực cần thiết. Có lẽ, chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành y cần phải đi kèm với các giải pháp cải thiện chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc mới có thể khuyến khích các y bác sĩ gắn bó với nghề, góp phần để ngành y Hàn Quốc phát triển một cách bền vững.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...