Khoảng 17 giờ 45 phút chiều 2.1, máy bay Airbus A350-900 mang số hiệu 516 của hãng hàng không Japan Airlines (JAL) đã va chạm với 1 máy bay tuần duyên trong lúc hạ cánh xuống sân bay Haneda (Tokyo).
Chiếc máy bay bị nhấn chìm trong lửa. Hỏa hoạn nhanh chóng lan rộng khắp máy bay và phải đến 20 giờ 30 phút tối, gần 3 giờ sau cú va chạm ban đầu, lực lượng cứu hộ mới dập lửa thành công.
Vụ tai nạn đã khiến 5 trong số 6 người trên máy bay tuần duyên thiệt mạng. Tuy nhiên, điều bất ngờ là tất cả 379 hành khách và thành viên phi hành đoàn có mặt trên chiếc Airbus 350-900 đều an toàn.
Yếu tố từ máy bay
Sau khi tất cả 379 hành khách thoát thân an toàn, các chuyên gia đã nghiên cứu lý do "kỳ tích" này xuất hiện. Theo đó, một số ý kiến cho rằng mức nhiên liệu thấp có thể đã giúp ngăn chặn một vụ nổ chết người, tờ The Guardian đưa tin.
Các chuyên gia cũng đánh giá thấp vai trò của vật liệu tổng hợp bằng sợi carbon trong việc giảm rủi ro trong vụ cháy.
Theo Tiến sĩ Sonya Brown, giảng viên cao cấp về thiết kế hàng không vũ trụ tại trường kỹ thuật cơ khí và sản xuất của Đại học New South Wales (Úc), các máy bay chở khách trước đây được chế tạo chủ yếu từ kim loại, nhưng kỹ sư hàng không ngày nay đang tăng tỷ lệ vật liệu composite sợi carbon như một cách để giảm trọng lượng và tăng hiệu quả.
Khoảng 50% máy bay A350 được làm từ polyme gia cố bằng sợi carbon. Bà Brown cho biết đây là một trong những tỷ lệ cao nhất từng được sản xuất. Cánh cũng như thân máy bay là một số cấu trúc lớn nhất trên máy bay được làm từ vật liệu tổng hợp. Nhôm, thép và titan vẫn được sử dụng nhưng ở mức độ thấp hơn.
Nhân chứng kể cảnh 'sợ muốn chết' trong máy bay bùng cháy ở Nhật Bản
Theo bà, đoạn phim cho thấy ngọn lửa ban đầu nằm ở cánh trái của máy bay và dữ dội đến mức một máy bay có thân bằng kim loại cũng có thể bốc cháy: "Vật liệu tổng hợp sợi carbon có thể bắt đầu mất đi một phần độ cứng ở khoảng 200 độ C, trong khi nhôm sẽ nóng chảy ở khoảng 700 độ C, nhưng ngọn lửa mà chúng tôi thấy trên thân máy bay đó sẽ có nhiệt độ trên 1000 độ C".
Bà Brown lưu ý rằng ngọn lửa đã được chặn lại khi lan đến cánh trái, có thể là nhờ các vách chịu lửa làm bằng vật liệu chỉ bắt cháy ở nhiệt độ cao hơn nhiều. Nhờ vậy, ngọn lửa không lan sang các khu vực như động cơ và thùng nhiên liệu trong thời gian đủ lâu để mọi người trên máy bay thoát ra kịp.
Ngoài ra, chuyên gia Brown cho biết lượng nhiên liệu phản lực tương đối thấp mà máy bay mang theo khi hạ cánh có thể đã giảm thiểu cường độ của đám cháy và ngăn ngừa một vụ nổ tiềm tàng.
Đồng quan điểm trên, ông Neil Hansford, thành viên tại tổ chức Strategic Aviation Solutions (Mỹ), cho rằng máy bay thương mại có xu hướng hoạt động chỉ với lượng nhiên liệu cần thiết cho một chuyến đi, cộng thêm 10% phòng hờ, nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng nhiên liệu.
Ngoài ra, bên trong máy bay được thiết kế để ngăn ngọn lửa lan rộng, giúp việc sơ tán diễn ra an toàn. "Mọi thứ bên trong máy bay đều được thiết kế để giảm thiểu tình trạng cháy, ghế ngồi được làm bằng vật liệu chống cháy", theo ông Hansford.
Phi hành đoàn "phi thường"
Ngoài ra, giáo sư Ed Galea, lãnh đạo Nhóm Kỹ thuật An toàn Phòng cháy chữa cháy tại Đại học Greenwich (Anh), nói với tờ The Washington Post rằng "phi hành đoàn đã làm một công việc tuyệt vời". Ông lưu ý rằng họ đang hoạt động trong điều kiện đặc biệt khó khăn vì máy bay chúi mũi xuống đường băng. Điều này nghĩa là hành khách từ phía sau phải đi lên một góc dốc, trong khi những người sử dụng lối thoát hiểm phía trước phải đi xuống dốc.
Tuy nhiên, việc sơ tán đã hoàn tất trong vòng 20 phút sau khi máy bay hạ cánh và bốc cháy, theo giám đốc điều hành của Japan Airlines.
Tiếp viên của một hãng hàng không quốc tế có trụ sở chính ở châu Á đã nêu phát biểu với điều kiện giấu tên với giới truyền thông, trong đó mô tả vụ việc là "hình mẫu cho một cuộc sơ tán hoàn hảo".