Năm 2024, Trường Đại học Quan hệ quốc tế (MGIMO) thuộc Bộ ngoại giao Nga kỷ niệm 80 năm thành lập. Cũng trong năm nay, bộ môn tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Myanmar, tiếng Thái, tiếng Lào và tiếng Khmer của trường cũng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Nhân dịp này, ngày 8/11/ 2024,  bộ môn tiếng Việt tổ chức buổi gặp mặt cho các cựu sinh viên học tiếng Việt tại trường. Sự kiện này được tổ chức với sự hỗ trợ của Ban đào tạo ngôn ngữ và tài trợ từ Quỹ Endowment MGIMO, Quỹ Từ thiện Vladimir Potanin và Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga - Việt "Truyền thống và Hữu nghị".

Cuộc gặp gỡ của những người bắc nhịp cầu tình hữu nghị Việt - Nga

 Đây là lần đầu tiên buổi gặp mặt các cựu sinh viên môn tiếng Việt của trường MGIMO được tổ chức

Đến dự cuộc gặp mặt là những thế hệ cựu sinh viên học tiếng Việt từ những năm 50  của thế kỷ trước cho đến nay. Họ là những nhà ngoại giao, những thầy cô giáo, những nhà chính trị, doanh nhân…, những người đã và đang làm việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội nhưng cùng gắn với nhau bởi một điểm chung là tình yêu tiếng Việt, tình yêu và sự gắn bó với đất nước và con người Việt Nam.

Trong suốt 70 năm qua kể từ năm 1954, khi nhóm đầu tiên học tiếng Việt được thành lập, có nhiều người đã trở thành  những nhà Việt Nam học, nhà ngoại giao….

Trong đó, các cựu Đại sứ, Tham tán công sứ, các nhà ngoại giao Nga đã từng làm việc tại Việt Nam như Tatarinov A.A, Kovtun A.G, Khovaev I.A, Bakeeva E.N, Popov A.V, Mizonova M.G, Balgabaev B.T.… đã chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời làm ngoại giao tại Việt Nam, những kinh nghiệm và những câu chuyện vui khi làm phiên dịch cho các cán bộ cấp cao của Nga và Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ của những người bắc nhịp cầu tình hữu nghị Việt - Nga

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt chia sẻ về những năm tháng học tiếng Việt tại nhà trường

Nhiều nhà Việt Nam học đang công tác tại Nga đã trực tiếp đến tham dự buổi gặp mặt và có những chia sẻ về những năm tháng học tiếng Việt tại nhà trường. Trong khi đó, một số nhà Việt Nam học đang làm việc tại Đức, Việt Nam,… đã có những chia sẻ thông qua trực tuyến. Tất cả họ đã nhớ lại những ngày đầu, những khó khăn, những kỷ niệm vui buồn khi làm quen với tiếng Việt, nhớ về các thầy cô và bạn học, chia sẻ câu chuyện và kinh nghiệm của mình với thế hệ các nhà Việt Nam học trẻ hơn. Không phải ai ngay từ đầu đã lựa chọn tiếng Việt, nhưng tất cả các nhà Việt Nam học đều chia sẻ rằng họ không bao giờ hối tiếc về sự lựa chọn của mình, họ đã sống, đã cống hiến, đã gắn bó, đã yêu đất nước và con người Việt Nam. 

Tại buổi gặp mặt bà Bùi Hằng, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã bày tỏ lòng biết ơn với các thế hệ các thầy cô giáo, các thế hệ cựu sinh viên bộ môn tiếng Việt;  khẳng định những đóng góp to lớn của họ trong việc xây đắp tình hữu nghị Việt- Nga.

Thay mặt Quỹ truyền thống và Hữu nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng –  Giám đốc Quỹ bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới lãnh đạo Trường MGIMO, các cán bộ, thầy cô của Khoa tiếng nước ngoài, đặc biệt là các thầy cô bộ môn tiếng Việt trong suốt nhiều năm đã gieo mầm ngôn ngữ tiếng Việt, bắc nhịp cầu cho tình hữu nghị Việt - Nga.

Cuộc gặp gỡ của những người bắc nhịp cầu tình hữu nghị Việt - Nga

 Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ truyền thống và hữu nghị phát biểu tại buổi gặp mặt

Trong những năm gần đây, Quỹ đã vinh dự được đồng hành cùng Trường MGIMO và Khoa trong nhiều sự kiện giao lưu và quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Việt-Nga như: Cuộc thi dịch thuật tiếng Việt, Ngày Việt Nam tại MGIMO,… góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp dạy và học tiếng Việt, giúp nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn. Ông Hùng khẳng định Quỹ luôn sẵn sàng hợp tác và chào đón các đề xuất và ý tưởng trong các lĩnh vực nghiên cứu tiếng Việt và văn hóa Việt tại Nga, nghiên cứu tiếng Nga và văn hóa Nga tại Việt Nam.

Trong suốt hơn bốn tiếng diễn ra buổi gặp mặt của các cựu sinh viên học tiếng Việt, khán phòng đầy ắp tiếng cười và cả những bâng khuâng, bồi hồi trên khóe mắt. Những cựu sinh viên tham dự buổi gặp mặt đều bày tỏ xúc động và lời cảm ơn với Ban tổ chức đã cho họ có cơ hội để tri ân các thầy cô giáo và gặp gỡ bạn bè để ôn lại một chặng đường của tuổi thanh xuân và cùng nhau nói tiếng Việt – ngôn ngữ đã giúp họ gắn kết với nhau và gắn bó với đất nước Việt Nam./.