Luật sư đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho 2 em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết

08:59 - 30/07/2024

Ngày 27.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và đồng phạm. Sau phần đề nghị mức án của đại diện Viện kiểm sát, các luật sư đã tham gia bào chữa cho bị cáo.

Đề nghị chính sách khoan hồng đặc biệt

Tại bản luận tội, bị cáo Trịnh Văn Quyết là người bị đề nghị mức án cao nhất, 24 - 26 năm tù về 2 hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán. Với cáo buộc có vai trò cao nhất trong cả 2 tội danh, bị cáo Quyết còn bị đề nghị chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, luật sư đề nghị xem xét lại số tiền hơn 684 tỉ đồng bị cáo buộc thu lợi bất chính từ việc thao túng cổ phiếu. Bởi lẽ, đặc thù của hành vi thao túng thị trường chứng khoán là việc mua bán cổ phiếu diễn ra liên tục, dòng tiền liên tục luân chuyển trong tài khoản chứng khoán, khó phân tách; chỉ khi người phạm tội rút tiền ra khỏi tài khoản chứng khoán để sử dụng cho mục đích khác thì mới coi là đã thực sự thu lợi. Trường hợp bị cáo Quyết, cho đến thời điểm bị bắt, phần lớn cổ phiếu vẫn nằm trong tài khoản và đang bị phong tỏa.

Luật sư đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho 2 em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết

Bị cáo Trịnh Văn Quyết

PHÚC BÌNH

Với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng, luật sư cho rằng trong số hơn 30.000 nhà đầu tư được Viện kiểm sát xác định là bị hại thì chỉ có 133 người "mới đáp ứng các tiêu chí về bị hại". Đây là những người mua cổ phiếu ROS lần đầu, đến nay vẫn còn giữ. Những người còn lại dù mua cổ phiếu ROS nhưng đã bán thì không thể coi là bị hại, thậm chí nhiều người sau khi mua đã bán và lãi hàng trăm triệu đồng. Luật sư cũng băn khoăn về cách thức các nhà đầu tư được xác định là bị hại, làm thế nào chứng minh thiệt hại của họ, trong trường hợp tòa tuyên bị cáo bồi thường thì số tiền họ nhận được là bao nhiêu, trên cơ sở nào…

Luật sư của bị cáo Quyết còn nhiều lần đề cập tới vụ án liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng được TAND TP.Hà Nội xét xử vào hồi tháng 3 vừa qua, cho rằng thân chủ của mình nên được áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt như cha con bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh (được áp dụng hình phạt dưới khung truy tố).

Cả 3 anh em vướng lao lý

Vụ án này, 2 em gái của bị cáo Quyết cùng bị truy tố 2 tội giống như anh trai, gồm bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC, bị đề nghị mức án 17 - 19 năm tù; và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS, bị đề nghị mức án 10 - 12 năm tù.

Tại phần xét hỏi, các bị cáo Huế và Nga đều thừa nhận các hành vi liên quan đến việc nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP xây dựng FLC Faros (Công ty Faros) cũng như thao túng giá các mã cổ phiếu thuộc "hệ sinh thái" FLC. Tuy vậy, cả hai cho hay đều làm theo chỉ đạo của anh trai là bị cáo Trịnh Văn Quyết, cá nhân không hưởng lợi gì ngoài tiền lương hằng tháng.

Bào chữa cho bị cáo Huế, luật sư nói trong gia đình, bị cáo Quyết là anh, bị cáo Huế là em; trong công ty, bị cáo Quyết là chủ tịch, người có quyền quyết định cao nhất. Bởi vậy, việc bị cáo Huế nghe theo chỉ đạo của anh trai cũng là một phần của công việc. Bị cáo Huế cũng không có thẩm quyền quyết định toàn bộ mà chỉ là người thực hành, đóng vai trò một phần trong chuỗi các hành vi sai phạm.

Luật sư của bị cáo Nga thì nhận định mức án đại diện Viện kiểm sát đề nghị với thân chủ của mình là quá nghiêm khắc. Luật sư nêu nhiều tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ: bị cáo tự nguyện nộp thêm 100 triệu đồng, nâng tổng số tiền đã nộp để khắc phục hậu quả lên 200 triệu đồng dù bản thân chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi. Ngoài ra, bị cáo Nga còn tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án, có cha chồng là thương binh, bản thân có sức khỏe yếu, nhiều bệnh nền, cần được điều trị y tế.

Đáng chú ý, luật sư cho biết gia đình bị cáo Nga có 3 anh em đều vướng lao lý, nay không còn ai thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ. Phía gia đình chồng bị cáo cũng có đến 4 người con trai, gái, dâu, rể bị truy tố và xét xử. Cha chồng bị cáo vì suy nghĩ, đau buồn trong nhiều tháng nên mới đây đã qua đời. Luật sư mong HĐXX cân nhắc, cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt, có cơ hội trở về sau phiên tòa.

Bị cáo Lê Hải Trà, cựu Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), bị đề nghị mức án 6 - 7 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Trà bị cáo buộc dù biết rõ không đủ cơ sở xác định số vốn thực góp của Công ty Faros nhưng đã gây sức ép với chuyên viên HOSE để đề xuất chấp thuận hồ sơ niêm yết của doanh nghiệp này.

Bào chữa cho bị cáo Trà, luật sư cho rằng bị cáo không trực tiếp chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ đăng ký niêm yết và sớm chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros.

Quá trình khai báo, bị cáo Trà đã nhìn nhận trách nhiệm của mình, thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng. Mặc dù hành vi của bị cáo không bị quy buộc trách nhiệm về mặt dân sự nhưng đã vận động gia đình xin tự nguyện nộp khoản tiền 100 triệu đồng, luật sư mong HĐXX xem xét, có đường lối xử lý khoan hồng.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Trái Tim Bất Hạnh - SCTV14

Cuộc Chiến Hôn Nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...