TS.Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội (Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ trong Phiên toàn thể – Toạ đàm cấp cao được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” tại Diễn đàn Kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2023, ngày 19/9.

TS.Vũ Tiến Lộc: Nâng cấp doanh nghiệp là “mệnh lệnh” cho việc đổi mới

TS.Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội (Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam.

TS. Vũ Tiến Lộc đánh giá, trong 30 năm qua việc phát triển doanh nghiệp và nâng cao NSLĐ đã đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình, hiện tại chúng ta vẫn đang tập trung vào 2 yếu tố này chính là động lực tăng trưởng chính cho sự phát triển của nước ta.

“Nâng cấp doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động chính là mệnh lệnh cho việc đổi mới”, TS.Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. 

Theo TS.Vũ Tiến Lộc, hiện Việt Nam có 900.000 doanh nghiệp, có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, tức là có gần 6 triệu chủ thể kinh doanh. “Số lượng doanh nghiệp không ít, tuy nhiên chất lượng doanh nghiệp của nước ta không cao, chưa đáp ứng yêu cầu, năng suất lao động đang tụt hậu và chưa đáp ứng nhu cầu của giai đoạn phát triển mới”, TS.Vũ Tiến Lộc nói.

Vẫn theo TS. Vũ Tiến Lộc, kinh tế Việt Nam được dẫn dắt bởi 3 động lực tăng trưởng trong 30 năm qua, hiện nay 3 động lực tăng trưởng cần có sự phát triển đột phá để đạt được mục tiêu phát triển trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

TS. Vũ Tiến Lộc dự báo, việc phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ là hình chữ U với đáy rất dài. Đây là thách thức rất lớn, ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên chúng ta vẫn có cơ hội trong chuyển dịch các chuỗi cung ứng. 

Với lợi thế về địa chính trị và chính sách đối ngoại, chúng ta là nền kinh tế quy mô vừa, lợi thế doanh nghiệp vừa và nhỏ, TS.Vũ Tiến Lộc đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực nội sinh trong việc cộng sinh với nền kinh tế toàn cầu cũng như trong chính các doanh nghiệp FDI.

“Thời gian tới cần có chính sách thức đẩy liên kết các doanh nghiệp FDI với Việt Nam, đảm bảo cắm rễ sâu trong nền kinh tế, cộng sinh cùng có lợi với các doanh nghiệp Việt Nam”, TS. Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực đối tác công tư trong các dự án phát triển  công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đối tác công tư, hoàn thiện Luật Phát triển công nghiêp trình Quốc hội trong thời gian tới; cần có Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.

Về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là các dự án có tiềm năng lớn, đầu tư vào lĩnh vực này mở đường cho các dòng đầu tư mới vào Việt Nam, sẽ là mũi tên trúng được nhiều đích, kích hoạt làn sóng đầu tư, tăng trưởng mới vào Việt Nam theo hướng đảm bảo chất lượng hơn.

Đối với khu vực tư nhân, TS. Vũ Tiến Lộc nhận thấy cải cách thể chế trong khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, qua đó khơi dậy nguồn lực phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

TS.Vũ Tiến Lộc: Nâng cấp doanh nghiệp là “mệnh lệnh” cho việc đổi mới

TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Trao đổi về những thành tựu và những hạn chế của nền kinh tế, TS.Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng trong năm 2023, cân đối ổn định vĩ mô, duy trì an sinh xã hội tạo đà cho phát triển.

Tuy nhiên, vẫn còn những điểm yếu mang tính cơ cấu như nền kinh tế còn bị phân mảnh. Nền kinh tế mở nhưng mức độ năng lực hội nhập của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp nên khó tận dụng cơ hội của hội nhập mang lại.

Mặt khác, hệ thống thể chế không còn phù hợp để huy động đủ nguồn lực và sử dụng nguồn lực có hiệu quả để tạo bứt phá cho tăng trưởng. Điều này thể hiện ở việc Quốc hội liên tục ban hành thể chế khác biệt cho các địa phương hay để thực hiện dự án quan trọng quốc gia.

Trả lời câu hỏi, doanh nghiệp là động lực vô cùng quan trọng của nền kinh tế, tuy nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường. Vậy, chúng ta cần phải thực hiện giải pháp gì để huy động nguồn lực này, khai thông nguồn sức mạnh nội sinh của nền kinh tế?

TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng trong cái khó khăn luôn ló ra những cơ hội. Nhiều doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội đó. Tuy nhiên, nhà nước phải tạo môi trường để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội.

Trong đó, phải kể đến cải cách môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, miễn phí, miễn thuế. Điều này sẽ tăng cầu tiêu dùng tốt hơn.

“Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nhà nước làm những việc này một cách nhất quán, mạnh mẽ mẽ hơn, đảm bảo lòng tin của doanh nghiệp. Các văn bản, chính sách phải công khai, minh bạch, đảm bảo tính chuẩn xác”, TS.Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.