Tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu gỗ

Doanh nghiệp ngành gỗ đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. 

 

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ những tháng đầu năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn, hầu như tháng nào cũng sụt giảm về lượng lẫn giá trị. Tuy nhiên, bước sang tháng 6, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng trở lại, khi đạt 1,1 tỉ USD, cao hơn 3,7% so với tháng 5. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những tháng cuối năm của ngành gỗ.

Thị trường châu Âu đã dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối. Đặc biệt, với những cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, xuất khẩu viên nén sang châu Âu sẽ phục hồi cả về giá và khối lượng từ những tháng cuối năm. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Vifores, người dân châu Âu đang rất ưa chuộng đồ gỗ trang trí, đây được xem là thị trường ngách cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 4,27%/năm cho giai đoạn 2023-2026 và đến năm 2026 có thể đạt 7,05 tỉ USD. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp gỗ đang tập trung khai phá các thị trường mới.

Kết quả khảo sát sơ bộ các doanh nghiệp do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) thực hiện cho thấy trong tháng 7/2023, doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Nhiều doanh nghiệp gỗ đang mở rộng biên độ kinh doanh, tìm giải pháp thâm nhập trực tiếp thị trường quốc tế. 

Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến TP.HCM (HAWA), thời gian qua, khi thị trường suy giảm, doanh nghiệp không hề bị động mà cố gắng thích ứng. Ông Khanh cho rằng, trong những giải pháp ứng phó, ngành chế biến gỗ chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh.

Cụ thể là việc các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đặc biệt phải kể đến thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới.

Với nội lực của ngành chế biến gỗ, ông Khanh cũng cho rằng, mục tiêu xuất khẩu của năm 2023 hoàn toàn có thể đạt được bởi đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại thời gian gần đây.

Thời gian tới, ông Đỗ Xuân Lập cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững. Đồng thời, cần thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó hướng tới cam kết Net Zero trong ngành gỗ.

Liên quan đến hoạt động mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, ông Đỗ Xuân Lập đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành chỉ đạo các cơ quan ngoại giao tại nước ngoài tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.