Vào khoảng 11 giờ ngày 29.11, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC (đường Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, TP.HCM) nhiều người đến giao dịch vàng hơn so với đầu ngày. Tại quầy bán vàng nhẫn, 4 – 5 người chờ đến lượt mua vàng nhẫn. Một người đàn ông cầm trên tay 2 xấp tiền trị giá 100 triệu đồng báo với nhân viên Công ty SJC lấy vàng nhẫn loại 1 chỉ. Với mức giá 6,24 triệu đồng/chỉ, người đàn ông này mua 16 chỉ vàng nhẫn. Trong khi nhân viên đang kiểm tiền mua vàng của người đàn ông này thì một người phụ nữ trung niên khác báo với nhân viên lấy 1 lượng vàng nhẫn loại 5 chỉ…
Đáng nói, trong khi người mua vàng nhẫn xuất hiện nhiều thì nhu cầu bán vàng chốt lời chủ yếu tập trung ở vàng miếng SJC. Trên tầng 2 của SJC là khu vực mua bán vàng miếng khách thưa vắng, chủ yếu đi bán với khối lượng lớn. Một phụ nữ tầm 70 tuổi được con chở đi bán 20 lượng vàng chốt ở mức giá 73,2 triệu đồng/lượng. Sau khi nhân viên Công ty SJC kiểm tra tình trạng của những miếng vàng loại 1 chỉ thì phát hiện 1 miếng bị móp nên báo giá tiền gia công là 140.000 đồng. Cùng lúc đó, một khách hàng khác mang 10 miếng vàng loại 10 lượng/miếng làm thủ tục bán lại cho phía công ty.
Lực bán vàng xuất hiện nên Công ty SJC điều chỉnh giảm 200.000 đồng mỗi lượng so với giá đầu ngày, mua vào còn 73 triệu đồng, bán ra 74,2 triệu đồng. Đại diện Công ty SJC cho biết, giá vàng tăng lên mức cao, vượt qua mức kỷ lục đạt được hồi tháng 3.2022 nên một số khách hàng bán vàng chốt lời. Trong sáng 29.11, có khách hàng mang khoảng chục lượng vàng mua hồi năm 2017 với giá khoảng 36 triệu đồng ra bán, mỗi lượng lời hơn 37 triệu đồng.
Trong khi đó, không khí giao dịch tại các cửa hàng nữ trang vàng bạc đá quý quanh khu vực chợ Tân Định, chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) không mấy sôi động.
Vàng giảm từ mức đỉnh
Không những Công ty SJC mà các đơn vị kinh doanh vàng khác cũng đã điều chỉnh giảm giá vàng miếng SJC vào trưa 29.11. Sau khi tăng giá bán vàng miếng SJC lên mức kỷ lục 74,5 – 74,6 triệu đồng/lượng, Tập đoàn Doji giảm xuống còn 74,3 – 74,4 triệu đồng/lượng, chiều mua vào còn 73 triệu đồng/lượng. Eximbank có 7 lần điều chỉnh giá vàng trong sáng 29.11, giảm 400.000 đồng mỗi lượng so với đầu ngày, xuống 72,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, bán ra 74 triệu đồng… Chỉ trong 3 ngày qua, giá vàng miếng đã tăng gần 2 triệu đồng/lượng và tăng hơn 7 triệu đồng/lượng so với đầu năm, tương ứng mức tăng hơn 10,7%.
Giá vàng miếng SJC vẫn duy trì khoảng cách cao hơn quốc tế 13,8 triệu đồng/lượng. Kim loại quý trên thị trường quốc tế giảm nhẹ 3 USD/ounce so với giá đầu ngày, còn 2.046 USD/ounce.
Lý giải nguyên nhân cách đây 6 tháng, giá kim loại quý quốc tế cũng ở mức cao gần 2.050 USD/ounce nhưng giá vàng miếng SJC không tăng lên mức kỷ lục như hiện nay, đại diện công ty SJC cho rằng, đợt tăng giá lần này nhận được sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố nên thị trường tin rằng giá vàng sẽ còn tăng. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có những thông tin sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới đã làm cho đồng USD trở nên yếu đi, đây là yếu tố chính giúp cho kim loại quý tăng vững chắc hơn. Đối với thị trường trong nước, lãi suất hiện nay cũng đang ở mức thấp, dao động từ 2,6 – 6%/năm nên một số người có tiền nhàn rỗi chọn mua vàng, chủ yếu là vàng nhẫn.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng – Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới nhận xét, cùng chất lượng vàng 4 số 9 nhưng giá vàng nhẫn hiện thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 12 triệu đồng/lượng nên người mua lựa chọn cũng là điều dễ hiểu. Không những bỏ tiền mua ít hơn mà vàng nhẫn còn đa dạng về chủng loại, mua 5 phân, 1 chỉ hay 1 lượng gì cũng có. Tuy nhiên, mua vàng thời điểm giá cao như hiện nay khá rủi ro. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng ngày càng tăng lên, thay vì vài trăm ngàn như trước đây thì nay đã từ 1 – 1,3 triệu đồng mỗi lượng. Người mua vàng thận trọng khi quyết định mua thời điểm này.