Bitcoin có thể giảm thêm
Thị trường tiền kỹ thuật số đã trải qua một đợt suy thoái đáng kể vào tối 1.10 khi giá trị của Bitcoin giảm mạnh xuống còn 60.000 USD sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel, theo dữ liệu từ tờ Nairametrics.
"Con số này tương đương mức giảm 7,5% so với mức đỉnh gần đây là 66.500 USD, gây ra sự bất ổn trên thị trường toàn cầu", tờ báo dẫn thông cáo của Imperial Wealth, một công ty tình báo tiền mã hóa có trụ sở tại Úc.
Theo trang FXStreet, nếu Bitcoin tiếp tục giảm và xuống dưới đường EMA 200 ngày (công cụ phản ánh sự biến động giá dài hạn) ở mức 59.895 USD thì có khả năng sẽ tiếp tục giảm sâu hơn để thử thách mức thấp nhất trước đó là 57.610 USD vào ngày 17.9.
Mặt khác, nếu Bitcoin tăng và lên trên mức 62.000 USD, giá có thể tiếp tục đà tăng để thử thách ngưỡng kháng cự (ngưỡng giá mà tại đó tài sản gặp khó khăn trong việc tăng giá hơn nữa) tiếp theo ở mức 66.000 USD.
Chỉ số giao dịch RSI (chỉ số sức mạnh tương đối) trong giá Bitcoin ở mức 49, dưới mức trung bình 50, cho thấy đà tăng giá đang yếu đi. Nếu RSI tiếp tục duy trì dưới mức 50, áp lực bán sẽ được phản ánh trên chỉ báo.
Tính đến ngày 2.10, giá đang phục hồi nhẹ, giao dịch quanh mức 61.800 USD.
Nguy cơ đối với Ethereum
Ethereum, tiền kỹ thuật số lớn thứ hai theo vốn hóa thị trường, đã xuống dưới đường EMA 50 ngày ở mức 2.591 USD và xuống dưới mức hỗ trợ (mức giá mà tại đó tài có xu hướng ngừng giảm và bắt đầu tăng trở lại) hằng ngày là 2.461 USD vào hôm 1.10, giảm gần 4% trong ngày, theo FXStreet.
Trong 24 giờ sau đó, Ethereum đã duy trì hơn 87 triệu USD thanh lý, mức cao nhất kể từ tháng 8, với các khoản thanh lý dài hạn và ngắn hạn lần lượt chiếm 71,01 triệu USD và 16,36 triệu USD.
Nếu mức 2.461 USD đóng vai trò là ngưỡng kháng cự, Ethereum có thể sẽ tiếp tục giảm để thử thách mức thấp nhất là 2.155 USD vào ngày 6.9.
Tuy nhiên, nếu biểu đồ nến Nhật (một loại biểu đồ được sử dụng để theo dõi sự biến động giá của một loại tài sản trên thị trường) hằng ngày của Ethereum vượt qua mức 2.461 USD và lên trên đường EMA 50 ngày ở mức 2.591 USD, đợt tăng giá sẽ hồi phục để thách thức mức cao nhất 2.820 USD vào ngày 24.8.
Dự trữ ngoại hối Ethereum cũng phù hợp với sự suy giảm vì các nhà đầu tư đã nhanh chóng chuyển từ thái độ chấp nhận rủi ro sang cách tiếp cận thận trọng hơn. Theo dữ liệu của CryptoQuant, dự trữ ngoại hối Ethereum đã tăng hơn 144.000 ETH tính đến ngày 2.10.
Sự gia tăng tỷ giá hối đoái giao ngay của một loại tiền kỹ thuật số cho thấy áp lực bán cao hơn và khả năng giá tiếp tục giảm.
Tiền ảo: tài sản an toàn hay rủi ro?
Đợt sụt giá nhanh chóng lần này cho thấy rằng, mặc dù tài sản điện tử ngày càng được quan tâm, thị trường tiền kỹ thuật số vẫn rất "mẫn cảm" với các cú sốc bên ngoài, đặc biệt là liên quan đến rủi ro địa chính trị.
Trong khi Bitcoin được các nhà đầu tư ưa chuộng như một "tài sản lưu trữ giá trị" chống lại lạm phát, đồng tiền này lại không thực sự hoạt động tốt như một "phương tiện chuyển sang tài sản chất lượng" trong thời kỳ xung đột địa chính trị, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu Zach Pandl của Grayscale Investments (công ty quản lý tài sản điện tử của Mỹ) chia sẻ với tờ Decrypt.
"Các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn trong thời kỳ khủng hoảng thường đổ xô đến các tài sản truyền thống như vàng vì kim loại quý này được coi là ổn định hơn", theo ông Pandl.
Ông Mitchell Nixon, Giám đốc nghiên cứu tại Imperial Wealth, đã chỉ ra nguyên nhân khiến giá Bitcoin giảm gần đây là do căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt là ở Trung Đông.
Sự bất ổn địa chính trị đã làm giảm khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư trên nhiều loại tài sản khác nhau.
Theo Decrypt, vào tháng 4, giá Bitcoin cũng đã giảm mạnh cùng với xung đột địa chính trị ở Trung Đông sau khi Iran tấn công Israel bằng một loạt tên lửa và Tel Aviv đáp trả sau đó. Bitcoin lao dốc xuống 60.000 USD ngay sau khi có báo cáo về vụ nổ ở Iran và trước sự kiện halving chưa đầy 24 giờ.
Sự kiện halving của Bitcoin là sự kiện được lên lịch trước, trong đó phần thưởng cho hoạt động đào một block mới sẽ bị giảm một nửa. Sự kiện này làm giảm tốc độ tạo ra Bitcoin mới, giảm tỷ lệ lạm phát của đồng tiền mã hóa này. Sự kiện xảy ra sau 210.000 block hoặc khoảng 4 năm/lần và là một phần trong nỗ lực kiểm soát nguồn cung token của Bitcoin, nhằm giới hạn tổng số Bitcoin ở mức 21 triệu.
Cũng theo Decrypt, vào tháng 2.2022, việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đã tác động tức thì đến thị trường tiền kỹ thuật số. Giá Bitcoin giảm 9% xuống còn khoảng 35.000 USD, 200 triệu USD nhanh chóng bị xóa sổ khỏi vốn hóa thị trường toàn cầu của tất cả các loại tiền kỹ thuật số.
Biến động giá hiện tại minh họa cho bản chất liên kết giữa các sự kiện toàn cầu và thị trường tiền kỹ thuật số. Mặc dù Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác cung cấp một giải pháp thay thế cho các hệ thống tài chính truyền thống, nhưng chúng không miễn nhiễm với các áp lực bên ngoài như xung đột địa chính trị. Các nhà đầu tư cần tiếp tục xem xét các tài sản kỹ thuật số với sự kết hợp giữa thận trọng và lạc quan, tùy thuộc vào cách các sự kiện toàn cầu diễn ra trong những tuần tới.