Dự báo 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm 2025

09:37 - 31/12/2024

Nhóm 10 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới trong năm 2025 được dự báo tiếp tục phát huy các thế mạnh vốn có, trong khi đối diện những thách thức khác nhau.

Dự báo 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm 2025

Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ 3 từ phải) gặp gỡ lãnh đạo các công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tại San Francisco (California, Mỹ) hôm 20.6

ẢNH: REUTERS

Theo dự báo của Công ty FocusEconomics (Tây Ban Nha), trong 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới năm 2025 có 5 tại châu Âu, 3 tại châu Á và 2 tại châu Mỹ.

Hầu hết các nền kinh tế này, cụ thể là các thành viên G7, đã giàu có về GDP bình quân đầu người theo USD. Tuy nhiên, cũng có một số thị trường mới nổi vẫn còn nghèo về mặt bình quân đầu người và quy mô kinh tế lớn lại liên quan quy mô dân số. G7 gồm các nền kinh tế phát triển là Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý.

Tương tự, trong khi hầu hết trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng dự báo thấp hơn mức trung bình toàn cầu do vốn vật chất và vốn con người đã cao, 2 nền kinh tế châu Á lại đi ngược xu hướng đó.

Dưới đây là 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới theo dự báo năm 2025:

1. Mỹ:

GDP 2025: 30,4 ngàn tỉ USD

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ lớn nhất thế giới, chiếm hơn 1/4 sản lượng toàn cầu theo GDP danh nghĩa. Hơn nữa, nước này có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Cấu trúc nền kinh tế Mỹ rất đa dạng. Ngành công nghệ, nổi bật là Thung lũng Silicon, thống trị toàn cầu và thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học và phần mềm. Ngành tài chính, tập trung ở New York, tự hào có thị trường vốn sâu nhất thế giới. Chăm sóc sức khỏe và dược phẩm là những thế mạnh khác, trong khi sản xuất - mặc dù quy mô đã giảm so với những thập niên trước - vẫn có sức cạnh tranh trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, quốc phòng và xe cơ giới.

Kinh tế Mỹ đối diện những thách thức như bất bình đẳng thu nhập cao nhất trong G7, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, chi phí chăm sóc sức khỏe cao và nợ quốc gia ngày càng tăng.

2. Trung Quốc:

GDP 2025: 19,6 ngàn tỉ USD

GDP Trung Quốc dự báo xếp thứ 2, chiếm gần 20% GDP toàn cầu, được thúc đẩy bởi đầu tư và sản xuất hướng tới xuất khẩu. Mức tiêu dùng tư nhân vẫn thấp hơn khoảng 20 điểm phần trăm GDP so với các nền kinh tế phát triển.

Được mệnh danh là "công xưởng của thế giới", Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu về điện tử, máy móc và hàng dệt may. Trung Quốc gần đây đã ưu tiên tự lực về công nghệ và tăng cường các hoạt động có giá trị gia tăng, cung cấp cho các ngành công nghiệp trong nước các khoản trợ cấp và hỗ trợ của nhà nước và hạn chế sự tham gia của các công ty nước ngoài vào các lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế.

Dự báo 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm 2025

Công nhân tại một xưởng may ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) hôm 25.11

ẢNH: REUTERS

Trung Quốc đang phải đối diện nhiều thách thức, bao gồm mức nợ doanh nghiệp cao, giải quyết nhu cầu của dân số già hóa và suy giảm, thị trường bất động sản yếu kém và căng thẳng được dự báo có thể gia tăng trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ 2 của ông Donald Trump.

3. Đức:

GDP: 5 ngàn tỉ USD

Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Dù dịch vụ là ngành kinh tế chính, Đức cũng có nền tảng công nghiệp vững mạnh, ngành sản xuất lớn gấp khoảng 2 lần so với các nền kinh tế G7 khác tính theo tỷ lệ GDP. Mạng lưới dày đặc các doanh nghiệp công nghiệp vừa (Mittelstand) tạo thành xương sống của nền kinh tế này. Đất nước này được hưởng lợi từ lực lượng lao động lành nghề, quản lý tài chính thận trọng và vị trí địa lý thuận lợi tại trung tâm châu Âu.

Dự báo 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm 2025

Nhà máy chính của Volkswagen ở Wolfsburg (Đức)

ẢNH: REUTERS

Tuy nhiên, mô hình kinh tế tập trung vào xuất khẩu và sản xuất của đất nước này đã bị đe dọa trong những năm gần đây do căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, nỗ lực thích ứng với các hình thức công nghệ mới và sức cạnh tranh ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô. Những thách thức khác bao gồm dân số già hóa, sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và sự chia rẽ chính trị trong bối cảnh phe cánh hữu trỗi dậy.

4. Nhật Bản:

GDP 4,4 ngàn tỉ USD

Nền kinh tế Nhật Bản, dù vẫn là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, đã suy yếu kể từ thập niên 1990, thời điểm Nhật là nền kinh tế lớn thứ 2 và đang tiến gần đến vị trí dẫn đầu của Mỹ.

Giống Đức, Nhật có một ngành sản xuất lớn chiếm gần 20% GDP, với thế mạnh về điện tử, ô tô và rô bốt. Nhật cũng có một ngành dịch vụ tài chính và ngân hàng đáng kể. Nền kinh tế hướng đến xuất khẩu và liên tục ghi nhận thặng dư thương mại trong những năm gần đây.

Dự báo 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm 2025

Một khâu sản xuất giấy tại nhà máy Maruhide Seishi ở Nhật Bản

ẢNH: REUTERS

Tuy nhiên, Nhật phải đối diện những thách thức đáng kể về nhân khẩu học, bao gồm dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp kéo GDP xuống, mặc dù có các biện pháp kích thích tài chính liên tục. Sự phụ thuộc vào năng lượng và nguyên liệu thô nhập khẩu là một điểm yếu khác, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những thay đổi giá cả toàn cầu.

5. Ấn Độ

GDP 2025: 4,3 ngàn tỉ USD

GDP của Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh chóng, đã tăng gấp đôi về quy mô trong thập niên qua. Không giống như nhiều nền kinh tế châu Á khác, Ấn Độ không có ngành sản xuất lớn, bất chấp sáng kiến Make In India gần đây của chính phủ. Thay vào đó, sản lượng dịch vụ thúc đẩy GDP.

Dự báo 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm 2025

Bên trong hãng dược Sai Life Sciences ở Ấn Độ

ẢNH: REUTERS

Ấn Độ tự hào có thế mạnh về công nghệ thông tin và dược phẩm. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp, sử dụng một phần lớn dân số và vẫn chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế, vẫn kém năng suất hơn và dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro về khí hậu.

Nền kinh tế Ấn Độ có một số điểm mạnh, bao gồm dân số tăng nhanh và có tinh thần khởi nghiệp, lực lượng lao động nói tiếng Anh có trình độ cao, thị trường nội địa rộng lớn và sự ổn định chính trị. Tuy nhiên, cách biệt về hạ tầng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, là một rào cản, bên cạnh những thách thức về quy định hành chính và đảm bảo giáo dục phổ cập chất lượng.

6. Anh

GDP 2025: 3,7 ngàn tỉ USD

Nền kinh tế Vương quốc Anh chủ yếu hướng đến dịch vụ, với bảo hiểm, tài chính và bất động sản là những ngành đóng góp chính, đặc biệt là thông qua thành phố London, một trung tâm tài chính toàn cầu lớn. Các ngành quan trọng khác bao gồm các ngành công nghiệp sáng tạo, quốc phòng, giáo dục đại học, xe cơ giới và dược phẩm. Thị trường lao động linh hoạt và hệ thống giáo dục hoạt động tốt là những thế mạnh chính.

Tuy nhiên, việc rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã mang đến những thách thức, đặc biệt là đối với thương mại và tính di động của lao động với EU, gây cản trở xuất khẩu và đầu tư. Dù Anh có thể đạt được một số thỏa thuận theo từng lĩnh vực với EU trong những năm tới, mối quan hệ kinh tế với khối này khó có thể phát triển chặt chẽ hơn đáng kể.

Ngoài ra, chính quyền phải đối diện khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu chi tiêu công ngày càng tăng trong môi trường tăng trưởng GDP thấp.

7. Pháp

GDP 2025: 3,3 ngàn tỉ USD

Nền kinh tế của Pháp rất đa dạng và là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các thương hiệu xa xỉ như Chanel, Hermès và LVMH. Hàng không vũ trụ, dẫn đầu là Airbus, cũng là một ngành quan trọng. Ngành nông nghiệp của Pháp là ngành lớn nhất trong EU và nổi tiếng về sản xuất sữa, ngũ cốc và rượu vang. Hơn nữa, kể từ Brexit, Paris đã nâng cao vị thế là một trung tâm tài chính.

Dự báo 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm 2025

Khu vực lắp ráp máy bay Airbus A350 tại nhà máy của Airbus gần Toulouse (Pháp)

ẢNH: AFP

Tăng trưởng GDP của Pháp trong những năm tới được dự báo cao hơn Đức và Ý, nhưng chỉ ở mức trung bình theo tiêu chuẩn EU. Việc thiếu ổn định về chính trị và nhu cầu kiềm chế thâm hụt tài chính sẽ là lực cản, trong khi các cuộc biểu tình công khai thường xuyên có thể sẽ tiếp tục đặt ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách.

8. Ý

GDP 2025: 2,5 ngàn tỉ USD

GDP của Ý chủ yếu là dịch vụ, nhưng cũng có thế mạnh về sản xuất hàng xa xỉ, máy móc và xe cơ giới. Miền bắc nước Ý, nơi có các trung tâm công nghiệp như Milan và các thương hiệu như Fiat và Ferrari, thúc đẩy phần lớn hoạt động sản xuất này. Ý cũng là nước sản xuất nông nghiệp lớn thứ ba châu Âu, nổi tiếng với rượu vang và dầu ô liu.

Trong những thập niên gần đây, tình hình bất ổn chính trị, tỷ lệ nợ công trên GDP cao, khu vực công trì trệ, nhân khẩu học suy thoái và chênh lệch lớn giữa các vùng công nghiệp hóa ở phía bắc và phía nam kém phát triển đã đặt ra những thách thức.

9. Canada

GDP 2025: 2,3 ngàn tỉ USD

Nền kinh tế Canada giàu tài nguyên, với dầu mỏ, lâm nghiệp và khai khoáng đóng góp quan trọng vào xuất khẩu. Tuy nhiên, GDP của Canada nhìn chung vẫn do ngành dịch vụ chi phối, với thế mạnh đặc biệt là dịch vụ tài chính và công nghệ. Trong những năm gần đây, hoạt động kinh tế được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ từ đối tác thương mại chính là Mỹ.

Dự báo 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm 2025

Lâm nghiệp là một trong những lĩnh vực quan trọng của Canada

ẢNH: REUTERS

Dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, lực lượng lao động lành nghề và nền quản trị trong sạch, Canada cũng phải đối diện những điểm yếu, bao gồm giá cả hàng hóa xuất khẩu không ổn định, nợ hộ gia đình cao và sự phụ thuộc vào thương mại với Mỹ. Rủi ro đó có thể đặc biệt nghiêm trọng do ông Trump có khả năng sẽ áp thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu.

10. Nga

GDP 2025: 2,1 ngàn tỉ USD

Nền kinh tế của Nga phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chiếm hơn một nửa doanh thu xuất khẩu. Sự phụ thuộc vào năng lượng này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể nhưng cũng khiến Nga dễ bị tổn thương trước biến động giá cả toàn cầu và các lệnh cấm vận năng lượng. Ngành sản xuất tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, bao gồm vũ khí, hóa chất và thép. Nga còn là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.

Nền kinh tế đã mạnh mẽ hơn nhiều so với dự kiến của nhiều nhà phân tích kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra, với mức tăng trưởng GDP của Nga trên 3% vào năm 2023 và 2024, nhờ chi tiêu quân sự cao hơn, trợ cấp xã hội và khả năng của chính phủ trong việc né các lệnh cấm vận. Tuy nhiên, theo ước tính của các chuyên gia, tăng trưởng sẽ chậm lại còn khoảng 1,5% trong tương lai, trong bối cảnh môi trường kinh doanh yếu kém và dân số suy giảm.

 
 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Trái Tim Bất Hạnh - SCTV14

Cuộc Chiến Hôn Nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...