Có thể nâng cao giá trị chuỗi cung ứng
Trong đó, bà Sagarika Chandra, Giám đốc Đánh giá tín nhiệm quốc gia của Fitch Ratings tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: "Dự kiến, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 6% một chút vào năm 2024. Triển vọng tăng trưởng trung hạn của chúng tôi đối với nền kinh tế Việt Nam là từ 6 - 7%. Các động lực tăng trưởng chính cho Việt Nam thì đầu tư gián tiếp và các ngành dịch vụ đang khá mạnh mẽ. Xu hướng này có lẽ sẽ tiếp tục".
Và xét về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bà nhận định FDI vào Việt Nam tiếp tục tập trung vào sản xuất để xuất khẩu. "Dự báo của chúng tôi là xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ và là động lực tăng trưởng. Dù có một số trở ngại trên toàn cầu và khu vực, xuất khẩu Việt Nam vẫn ổn định", bà Sagarika Chandra đánh giá.
Về kỳ vọng đối với FDI, dù có một phần chảy vào bất động sản, nhưng bà cho rằng lợi thế chủ yếu của FDI vào Việt Nam vẫn vẫn nghiêng về sản xuất để xuất khẩu, tỷ trọng rất lớn vẫn thuộc về lĩnh vực điện tử.
Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc chuyển hướng của chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực nhờ vào việc đã khá hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. "Việt Nam thu hút thêm đầu tư có nhiều mặt tích cực hơn. Nếu tăng cường lực lượng lao động có trình độ, thì Việt Nam có thể nâng cao chuỗi giá trị xuất khẩu", bà Sagarika Chandra nhận xét và cho rằng ưu thế chính của Việt Nam nổi bật hiện có là cạnh tranh về chi phí và sự hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tăng trưởng tín dụng đã khá nhanh
Bên cạnh đó, ông Willie Tonato, Giám đốc cấp cao về định chế tài chính của Fitch Ratings, cũng đưa ra những nhận xét về lĩnh vực tài chính của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam tuy có lượng tiền gửi của người dân trong ngân hàng ở mức cao, nhưng tăng trưởng tín dụng không hề thấp.
"Trong nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam ở mức 6%, còn cách xa mục tiêu 15% cả năm. Nhưng thực tế qua các năm thì tăng trưởng tín dụng của Việt Nam có thể vẫn đạt gần 15%. Theo quan điểm của chúng tôi, so với tăng trưởng GDP khoảng 6% thì mức tăng trưởng tín dụng 15% là hơi nhanh", ông Willie Tonato đánh giá và chỉ ra rằng: "Tăng trưởng cho vay ở Việt Nam có xu hướng theo mùa. Thường có thể có một cú hích đáng kể vào quý cuối cùng của mỗi năm vì đó là thời điểm tăng cao của chu kỳ xuất khẩu, đồng thời còn là thời điểm các ngân hàng muốn đạt được những kết quả tích cực trong báo cáo tài chính".
Nhận xét thêm về lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam, ông Tonato cho rằng: "Đã có những cải thiện đáng kể trong khuôn khổ pháp lý. Các ngân hàng Việt Nam cũng có những cải thiện đáng kể về minh bạch và công bố thông tin tài chính. Thêm vào đó là những "ý tưởng tốt" về chất lượng tài sản khi báo cáo và hạch toán trung thực hơn về chất lượng tài sản".
Nhưng ông cũng cảnh báo: "Điều còn thiếu ở đây là dù tiêu chuẩn vốn của các ngân hàng đã được cải thiện, nhưng vẫn còn khá thấp so với tiêu chuẩn khu vực, so với mức rủi ro trong nền kinh tế. Hai là, cách tăng trưởng của các ngân hàng ở Việt Nam có rủi ro cao vì dường như cố gắng tăng trưởng nhanh nhất có thể. Ngân hàng phát triển càng nhanh thì càng có nhiều vốn hoặc ngược lại. Điều này là tốt khi nền kinh tế đang hoạt động tốt. Nhưng nếu có cú sốc hoặc nếu nền kinh tế chậm lại hoặc phục hồi chậm hơn mong đợi, thì đó có thể là vấn đề đối với ngành ngân hàng".
Nhận xét thêm, ông Tamma Febrian, Giám đốc về về định chế tài chính của Fitch Ratings, cho rằng: "Bây giờ, khi chúng ta nói về triển vọng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, chúng ta thấy có triển vọng cải thiện và điều đó phụ thuộc vào niềm tin rằng doanh thu vẫn tương đối lành mạnh. Chúng tôi kỳ vọng mọi thứ tiếp tục được cải thiện và khi nhu cầu về các khoản vay có lợi suất cao hơn tiếp tục quay trở lại, thì chúng ta cũng sẽ thấy biên lợi nhuận của các ngân hàng được cải thiện. Tài sản rủi ro có khả năng sẽ vẫn được kiểm soát nhờ nền kinh tế đang phục hồi".
Tiêu cực và tích cực
Trong phần phát biểu của mình tại sự kiện Fitch on Vietnam 2024, bà Sagarika Chandra nhận định về những dấu hiệu tiêu cực lẫn tích cực của nền kinh tế Việt Nam.
Về tiêu cực, hiện trạng các khoản nợ phải trả có điều kiện và thâm hụt tài chính kéo dài, dẫn đến không ổn định được nợ chính phủ trong trung hạn. Bên cạnh đó còn có thực tế dự trữ ngoại hối liên tục giảm liên quan áp lực lên tỷ giá hối đoái.
Về tích cực, chính sách và hiệu suất kinh tế vĩ mô đã có tăng trưởng cao liên tục, đồng thời Việt Nam đã cải thiện khuôn khổ chính sách kinh tế để bao gồm tăng cường tính minh bạch. Ngoài ra, Việt Nam cũng giảm đáng kể rủi ro liên quan các khoản nợ phải trả có điều kiện, bao gồm thông qua việc hạch toán tốt hơn các rủi ro đó và làm rõ hơn các cam kết của Chính phủ để giải quyết nếu xảy ra rủi ro.
Việt Nam nên tăng cường kích thích tài khóa ?
Tại sự kiện Fitch on Vietnam 2024, Fitch Ratings cũng đã tiến hành khảo sát nhanh dành cho gần 100 người tham dự sự kiện. Trong đó, có đến 52% người được hỏi đều cho rằng Việt Nam cần tăng cường chính sách kích thích cả tiền tệ lẫn tài khóa. Trong khi đó, 34% câu trả lời cho rằng Việt Nam chỉ cần thêm chính sách kích thích tài khóa vì tăng trưởng tín dụng đã ở mức cao. Còn lại, 4% câu trả lời cho rằng chỉ cần kích thích chính sách tiền tệ và 10% nhận định không cần kích thích thêm tài khóa lẫn tiền tệ.