LTS: Xu hướng phục hồi kinh tế ngày càng rõ nét nhưng động lực nào để tạo nên sức bật cho tăng trưởng năm 2024 “về đích” mức 6%-6,5% trong khi tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt mức 5,05% và nhiều “cú sốc” bất ngờ vẫn đang rình rập.

Triển vọng tăng trưởng 2024: Lộ diện những điểm sáng

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Nguồn: TCTK, Chinhphu.vn

Năm 2024 chắc chắn sẽ tốt hơn năm 2023 về góc độ tăng trưởng kinh tế với rất nhiều cơ sở để chúng ta tin tưởng vào triển vọng tốt hơn này.

Sự phục hồi của các” trụ cột”

Cụ thể, nền kinh tế toàn cầu có những dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là các nền kinh tế lớn là những thị trường xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam đã phục hồi tích cực. Ngoại trừ EU thì các nền kinh tế khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, ÚC, các nước ASEAN đang phục hồi mạnh mẽ cho thấy nhu cầu đang tăng trưởng ổn định.

Bên cạnh đó, là sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì. Các thành tích ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2023 là nền tảng để tiếp tục duy trì là cơ sở thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước, của người tiêu dùng để có triển vọng đầu tư, bán lẻ và tiêu dùng trong nước cao hơn. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng.

Chúng ta cũng có cơ sở để trông đợi vào sự cải cách của môi trường đầu tư kinh doanh đang được tiếp tục, từ đó kỳ vọng đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư tư nhân từ nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Các con số gần đây cho thấy có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới thị trường Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động chuyển dịch các chuỗi cung ứng mới. Điều này hứa hẹn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng và đầu tư tư nhân trong nước cũng tốt hơn so với năm trước, đây là yếu tố đóng góp trực tiếp cho tổng cầu nền kinh tế.

Như vậy chúng ta thấy xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư đều gia tăng, đây là các yếu tố của tổng cầu tích cực để chúng ta tin tưởng năm 2024 sẽ tăng trưởng tốt hơn năm trước.

Chú trọng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 có đặt mục tiêu số doanh nghiệp gia nhập thị trường gồm thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023. Trong khi năm trước đó, con số này là trên 217.700 doanh nghiệp.

Như vậy, để đạt con số tăng trưởng doanh nghiệp gia nhập thị trường năm 2024 rất cao này cần những nỗ lực rất đặc biệt, mà trước hết cần thay đổi tư duy về thành lập doanh nghiệp. Ví dụ như thời gian vừa qua dù có các điều kiện thuận lợi nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới như năm 2023 dù kỷ lục gần 160.000 doanh nghiệp nhưng cũng chưa đạt được con số kỳ vọng 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động. Do đó, nếu năm 2024 đạt con số mục tiêu thì sẽ là tốc độ tăng chưa có tiền lệ.

Muốn đạt được kết quả này chúng ta cần có các quy định về pháp luật làm sao hiện thực mục tiêu. Cụ thể là xác định lực lượng “dự bị” cho thành lập doanh nghiệp, đó là hộ kinh doanh. Làm sao thúc đẩy các đối tượng này chuyển đổi thành doanh nghiệp, hay là cân nhắc ứng xử về địa vị pháp lý của họ, đây là điểm chúng ta cần tập trung tháo gỡ. Đồng thời, đưa ra định hướng rõ ràng, đây là cơ sở để chúng ta đặt mục tiêu như vậy.

Tuy nhiên, phải khẳng định, mục tiêu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới là số liệu quan trọng nhưng không phải quan trọng nhất. Chúng ta phải chú trọng chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp này. Số lượng doanh nghiệp hiện nay chưa đạt 1 triệu doanh nghiệp, với tốc độ tăng mỗi năm hơn 200.000 doanh nghiệp thì khoảng cách giữa doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp đăng ký với doanh nghiệp còn tồn tại sẽ có khoảng cách ngày càng lớn. Do đó, chúng ta cần chú trọng tới các doanh nghiệp đang thực sự hoạt động hiệu quả, đây mới thực sự là số liệu có ý nghĩa.