Quảng Ninh luôn xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Ngày 31/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là quyết tâm của Chính phủ nhằm tiếp tục đưa kinh tế tư nhân phát triển ở tầm cao hơn.
Ông Vũ Văn Diện - PCT UBND tỉnh: Quảng Ninh luôn xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Do đó, tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GRDP.
Đặc biệt, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển, coi doanh nghiệp là động lực phát triển bền vững của địa phương. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU triển khai thực hiện nghị quyết.
Được biết, để thúc đẩy phát triển tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030; Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển KHCN và đổi mới, sáng tạo đến năm 2030. HĐND tỉnh đã ban hành 13 nghị quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, như: Nghị quyết 148/2018/NQ-HĐND về hỗ trợ doanh nghiệp tới năm 2020.
Nghị quyết 155/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, nguồn vốn, đất đai, mở rộng thị trường...
Ngoài ra, Quảng Ninh đã ban hành văn bản về cơ chế, chính sách quản lý và hỗ trợ phát triển các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, nhập khẩu và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh.
Khuyến khích thúc đẩy
Theo Ông Lưu Công Thành - CT Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh: Thời gian qua, những cải cách mạnh mẽ về thể chế, chính sách đã giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp trẻ đóng vai trò tiên phong đổi mới, kiến tạo nhiều giá trị, lan tỏa động lực phát triển.
Anh Lê Văn Tuấn - Giám đốc Công ty CP Kiến trúc và Thiết kế Nội thất Oma chia sẻ: Tôi từ Hải Dương đến khởi nghiệp tại Quảng Ninh vào cuối năm 2019, thời gian đầu khởi nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, không tìm kiếm, tiếp cận được khách hàng.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm cộng với sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng với cơ chế chính sách hỗ trợ của địa phương tôi đã đưa doanh nghiệp phát triển đột phá. Doanh nghiệp đã thiết kế và thi công nhiều dự án và công trình nhà ở trên địa bàn TP Cẩm Phả.
Doanh thu của công ty đạt 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 14 triệu đồng/tháng. Mới đây, anh Tuấn vinh dự lọt tốp 100 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc Việt Nam năm 2024.
Theo anh Tuấn, bản thân tôi và đội ngũ kiến trúc sư của doanh nghiệp luôn làm mới bản thân mỗi ngày để thiết kế được những công trình đẹp đến tay khách hàng với mức giá phù hợp nhất. Cùng với TP Cẩm Phả, mục tiêu của tôi tới đây là sẽ mở rộng thị trường tại các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh, trước mắt là TP Hạ Long và TP Móng Cái.
Ông Phạm Xuân Đài - Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh: Để khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân, tỉnh cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, trực tiếp thông qua các hội nghị do tỉnh, các bộ, ngành trung ương tổ chức để quảng bá hình ảnh, giới thiệu về môi trường đầu tư kinh doanh, định hướng thu hút đầu tư, các cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh. Chú trọng tổ chức các đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư, kết nối thương mại, du lịch, ngoại giao tại nước ngoài. Tăng cường xây dựng mối quan hệ thường xuyên với các tổ chức quốc tế…
Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh cũng đã kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nội lực, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đầu tư công. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, vượt qua các thách thức, quản trị tốt rủi ro. Trở thành địa phương duy nhất nhiều năm liền dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân.
Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô lớn (trên 11.700 doanh nghiệp), riêng năm 2024, có 2.070 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bằng 87,7% cùng kỳ, bằng 103,5% so với kế hoạch được giao.
Đầu tư của kinh tế tư nhân không ngừng tăng, bình quân tăng trên 10%/năm, tỷ trọng của kinh tế tư nhân chiếm khoảng 70% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, khu vực tư nhân góp phần rất quan trọng không chỉ về kinh tế, mà cả về xã hội.
Đó là giải quyết lao động, việc làm, đảm bảo an sinh, công tác nhân đạo, từ thiện. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng mạnh mẽ, trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa ngày càng lan tỏa sâu rộng.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...