Đây là một trong những nhận định được ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại phiên họp thẩm định quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, chỉ chiếm 0,6% diện tích và 9% dân số cả nước nhưng đóng góp gần 20% GDP và 25% thu ngân sách cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt của thành phố có chiều hướng chững lại; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP thấp hơn trung bình cả nước; mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm đổi mới.
Trong sự phát triển, thành phố cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, bất cập trong tổ chức không gian phát triển; hạ tầng chưa đồng bộ; quỹ đất phát triển công nghiệp ít… gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp. Kết cấu hạ tầng đô thị quá tải so với tốc độ gia tăng nhanh của dân số. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến cho tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt càng gia tăng…
Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt sẽ là căn cứ quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh xúc tiến thu hút đầu tư các chương trình, dự án, trong đó có thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.
Tại phiên họp, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: dự thảo Báo cáo quy hoạch tập trung thể hiện rõ các định hướng phát triển của Thành phố trên 5 nội dung là kinh tế xanh, đô thị sáng tạo, hạ tầng thông minh, xã hội văn minh, môi trường bền vững. Dự thảo cơ bản bám sát, đảm bảo phù hợp về mặt định hướng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo dự thảo Báo cáo quy hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh và số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước; là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu.
Theo tính toán, dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 2,23 triệu tỷ đồng vốn đầu tư; giai đoạn 2026 - 2030 với sự phát triển mạnh mẽ sẽ cần hơn 4,2 triệu tỷ đồng (tương ứng 6,4 triệu tỷ đồng cho cả thời kỳ 2021 - 2030).
Thành phố sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án hiện đang chậm tiến độ, có kế hoạch chi tiết triển khai danh mục các công trình trọng điểm, mang tính động lực đảm bảo tính đồng bộ. Đồng thời, thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế; tăng cường áp dụng các hình thức PPP trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại…