LTS: Tọa đàm với chủ đề “Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025" do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đây đồng thời là chủ đề của FIATA World Congress (FWC) 2025.

Phát triển logistics xanh: Hiện thực khát vọng!

“Tọa đàm “Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025" chiều 9/7 tại trụ sở VCCI Hà Nội do VLA phối hợp cùng Tạp chí DĐDN tổ chức. Ảnh: Quốc Tuấn

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.

Quyết định thành bại

Đồng quan điểm, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, xây dựng một ngành logistics bền vững, và có khả năng thích ứng nhanh là yêu cầu rất cấp bách.

“Phát triển xanh, thích ứng nhanh cũng đồng thời là chủ đề của FIATA World Congress 2025, phản ánh tầm nhìn và cam kết của chúng tôi trong việc xây dựng một ngành logistics bền vững, thân thiện với môi trường, và có khả năng thích ứng nhanh với những biến đổi của thị trường toàn cầu. Đây không chỉ là một yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay mà còn là xu hướng tất yếu cho sự phát triển lâu dài của ngành”, ông Lê Duy Hiệp khẳng định.

Trên thực tế, theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực VLA, “xanh và thích ứng nhanh" là 2 thành phần quan trọng của bất kỳ chuỗi cung ứng nào trong bối cảnh thế giới bất ổn về địa chính trị và các yêu cầu ngày càng tăng về "xanh hóa" nhằm giảm phát thải từ các quốc gia trên toàn cầu.

“Ngành vận tải nói chung đóng góp 24% lượng khí thải toàn cầu. Hành trình tiến tới logistics xanh và thích ứng nhanh sẽ đóng góp vào quá trình giảm thải cacbon của ngành logistics Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn cam kết của Chính phủ Việt Nam về hành trình tiến tới Net Zero được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP26”, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.

Kiểm chứng thực tế này, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành hàng tỷ đô là gỗ với sản phẩm có đặc điểm cồng kềnh hơn so với các sản phẩm khác, do đó, chi phí vận tải biển là rất cao, có những người hợp giá trị của hàng hóa của container cũng chỉ tương đương với chi phí vận chuyển.

Bên cạnh đó, gỗ cũng là sản phẩm rất “nhạy cảm” với môi trường, do đó, thiết lập chế biến xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh cũng trở nên rất cấp thiết hiện tại. Đặc biệt, chuyển đổi xanh của công nghiệp logistics là một trong những quyết định thành bại của nghề gỗ.

Khuyến khích doanh nghiệp

Từ thực tế này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, chuyển đổi xanh với ngành logistics cần hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện sử dụng năng lượng. Các doanh nghiệp có thể tìm cách thức tiết kiệm năng lượng trong quá trình hoạt động như sử dụng các phương tiện có hiệu suất cao hơn. Đồng thời, cần năng cao hiệu suất, hiệu quả trong quy trình làm việc.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý, Chính phủ cần tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Cũng kiến nghị với các cơ quan quản lý cho chuyển đổi logistics xanh, Phó Chủ tịch VCCI đề xuất, Chính phủ cần xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, Chính phủ xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ như có cơ chế ưu đãi về thuế, tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín dụng carbon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính…

Ở góc độ doanh nghiệp, cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện nay. Đối với các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển logistics xanh, thậm chí đã xác định mục tiêu phát triển logistics xanh trong chiến lược của doanh nghiệp, cần thường xuyên rà soát nội dung chiến lược và tình hình thực hiện phát triển logistics xanh để có điều chỉnh phù hợp, đúng thực tiễn.

Ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA): Công cụ hỗ trợ xây dựng dịch vụ mới

Phát triển logistics xanh: Hiện thực khát vọng!

Khi di chuyển từ một vùng lãnh thổ này sang một vùng lãnh thổ khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác có nghĩa là phải qua đến hai quy trình hải quan khác nhau. Nếu như tất cả các hệ thống hải quan đồng nhất sẽ dễ nhưng nếu hai hệ thống hải quan khác nhau thì lại là câu chuyện khác. Vậy nếu có thể dùng số hóa để giải quyết vấn đề mà hai hệ thống hải quan trọng song song cùng một lúc đó quả là một ý tưởng tuyệt vời.

Bên cạnh đó, FIATA đặt ra những tiêu chuẩn cho việc số hóa, giúp số hóa cho toàn bộ hệ thống logistics. Như vậy, khi phải trao đổi dữ liệu với nhau, yêu cầu các công ty tiếp nhận hàng mình phải liên quan đến rất nhiều các ngành và nhiều các tầng lớp của các hệ thống chính trị ở khắp nơi, từ chủ tàu, chủ hàng, bên giao nhận hàng, cho hải quan, đưa cho cơ quan, địa phương chức năng địa phương… FIATA cũng cung cấp cho tất cả các các thành viên cơ hội sử dụng bộ chứng từ điện tử thông qua hệ thống này. Đồng thời, sử dụng công cụ thanh toán trực tuyến.

Thậm chí, FIATA có bộ công cụ riêng cho các thành viên về chuyển đổi xanh. Với hệ thống này, bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ di chuyển từ địa điểm nào đến địa điểm nào các thành viên cũng có thể đưa ra một phép tính là dễ tính ra được lượng thải carbon bao nhiêu để đưa ra điều chỉnh phù hợp.

Ông DongKyun Kim, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Samsung SDS: Giảm chi phí cho vận tải xanh

Phát triển logistics xanh: Hiện thực khát vọng!

Thách thức lớn nhất trong chuỗi cung ứng là khách hàng nhìn nhận rõ được độ minh bạch khiến xảy ra một rủi ro. Đó là tình trạng chậm trễ trong sản xuất do doanh nghiệp thiếu thông tin liên quan đến việc kiểm kê hàng tồn kho; tình trạng vận chuyển hàng hoá bị chậm hay quản lý nhà kho gặp nhiều vấn đề. Từ thực tế đó, cần ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để giảm thiểu rủi ro.

Trước đây việc quản lý kho được thực hiện thủ công. Với hàng trăm ngàn đơn mỗi ngày và làm thủ công, việc xảy ra lỗi hoặc sai sót là rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, chi phí, hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khi việc quản lý nhà kho được tự động hoá để quản lý nhà kho, sau 4 tuần, tỷ lệ lỗi giảm 15%.

Cùng với lưu kho, vì nhiều lý do việc giao nhận hàng có thể chậm trễ, nhiều doanh nghiệp đưa ra giải pháp là tổ chức đội nhân lực kiểm tra hàng hoá, tốn nhiều sức người. Tuy nhiên, khi hệ thống được tự động hoá, tự check sẽ giảm nhiều công sức lao động, giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hiệu quả hơn. Đặc biệt, với sự phát triển công nghệ hiện nay, cho phép ứng dụng AI giảm thiểu rủi ro.

Tại Việt Nam, Samsung có hệ thống cơ sở dữ liệu lớn. Với nguồn đầu vào như vậy, ứng dụng AI sẽ có thể đưa ra thông tin chuẩn nhất và chính xác nhất, hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Western Pacific Group (WPG): Mô hình cho doanh nghiệp logistics xanh

Phát triển logistics xanh: Hiện thực khát vọng!

Kho bãi là yếu tố quan trọng trong áp dụng mô hình logistics xanh. Đây là vấn đề vẫn được cho là xa vời, đặc biệt là với 90% doanh nghiệp trong ngành là vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Câu hỏi thường thấy là áp dụng logistics xanh có tốn kém không? Đây lại là cơ hội bây giờ hoặc không bao giờ.

Trong logistics Việt Nam thì trên 50% là chi phí vận tải dẫn tới lượng khí thải rất lớn. Trong nhiều giải pháp thì có một số giải pháp giảm tỷ lệ khí thải, hoặc tối đa hóa năng lượng tái tạo.

Đối với nhà vận hành khu công nghiệp, ngoài việc tiết kiệm nhiên liệu, kiến nghị một giải pháp mang tính vĩ mô, đó là sự quy hoạch đồng bộ. Sự đồng bộ giữa nhà sản xuất và các trung tâm logistics sẽ giúp tối ưu hóa chặng đường vận tải. Trong giải pháp này, sự điều tiết của Chính phủ là vấn đề quan trọng nhất và rõ ràng nhất.

Trong lúc đó, dưới góc độ doanh nghiệp, WPG đang áp dụng mô hình cụm ở quy mô nhỏ. Mô hình khu công nghiệp sẽ được tính toán theo từng địa phương, ví dụ như sát biển, hoặc gần sân bay sẽ tính toán để đặt các trung tâm logistics sao cho tối ưu hóa chặng đường và thời gian.

Do đó, kiến nghị về phía Chính phủ, tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy năng lượng tái tạo. Thời gian qua đã có một số vấn đề kĩ thuật và chính sách liên quan tới vấn đề này, mong chính phủ nhìn nhận vai trò khác của năng lượng tái tạo với logistics xanh.

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn: Bốn mảng chuyển đổi xanh

Phát triển logistics xanh: Hiện thực khát vọng!

Lộ trình Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thực hiện chuyển đổi xanh đang đi đúng hướng theo 4 mảng chuyển đổi xanh. Cụ thể, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tiên phong trong hoạt động kinh doanh, chuyển đổi phương thức và thay đổi dần tập quán của khách hàng. Tân Cảng Sài Gòn phát triển mạnh vận tải đường thuỷ - mô hình vận tải “xanh” giảm phát thải khí nhà kính.

Cùng với đó, đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số góp phần tối ưu các hoạt động, cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tối ưu tổ chức sản xuất tại các khu vực cảng, giảm thời gian chờ đợi và giao nhận vận tải cho khách hàng trong cảng, giảm thiểu khí thải ra môi trường.

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giao nhận vận tải cho khách hàng, cho các tàu thông qua cổng giao dịch thương mại. Đặc biệt, mua lại mobile app cho phép khách hàng sử dụng điện thoại để giao dịch, giao nhận hàng hoá, không dùng giấy, giảm thời gian. Ngoài ra, hiện đại hoá các biện pháp kỹ thuật, chuyển đổi năng lượng trong trang thiết bị từ nguồn điện truyền thống sang sử dụng điện mặt trời. Với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, chúng tôi hướng đến xây dựng cảng bán tự động và tự động trong thời gian tới.