Nỗ lực tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, bằng nhiều giải pháp cụ thể, tỉnh Thái Nguyên chú trọng tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.
Cải cách hành chính, thúc đẩy đầu tư
Công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm nhiều năm qua. Bởi, chỉ có cải cách hành chính mới đem lại những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, giảm bớt những thủ tục rườm rà, không cần thiết. Cải cách hành chính sẽ giúp tỉnh nâng cao chất lượng thực thi chính sách, pháp luật, xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, từ đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Theo Sở TNMT Thái Nguyên, lĩnh vực TNMT có khối lượng công việc rất lớn, TTHC nhiều, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cán bộ, công chức, các TTHC thuộc phạm vi giải quyết của Sở đã được cắt giảm đáng kể, thời gian thực hiện nhanh, chính xác, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp thực hiện đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Sở TNMT Thái Nguyên đã triển khai việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa hệ thống thông tin quản lý đất đai của tỉnh với ứng dụng quản lý trước bạ nhà đất của ngành thuế. Qua đó, nâng cao hiệu quả phối hợp giải quyết TTHC trên lĩnh vực đất đai; tiết kiệm thời gian, chi phí giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu của ngành TNMT Thái Nguyên đang hướng tới là cung cấp dịch vụ công và thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Tiếp cận đất đai” những năm gần đây luôn nằm trong tốp đầu toàn quốc. Nhìn vào Chỉ số này cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đánh giá việc tiếp cận mặt bằng kinh doanh trên địa bàn đã thuận lợi hơn nhiều và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp đã mang lại hiệu quả nhất định cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Công ty CP Tập đoàn Danko (Danko Group) là doanh nghiệp thực hiện một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ năm 2018. Trong đó, dự án Danko City được xem như một kiệt tác nghệ thuật độc đáo và hiện đại bậc nhất của tỉnh Thái Nguyên. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, trong quá trình triển khai dự án, Tập đoàn Danko gặp nhiều khó khăn nhưng được lãnh đạo các cấp, ngành liên quan giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp, đồng hành với nhà đầu tư. UBND tỉnh đã định kỳ thường xuyên đối thoại, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Các Sở, ngành tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính nhanh nhất, hỗ trợ thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng.
Hơn nữa, các cơ chế, chính sách và TTHC hiện nay đều được công khai, minh bạch trên môi trường điện tử nên các doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ điều này. Hơn nữa, mọi quy trình, thủ tục thực hiện dự án đều được thực hiện đúng, đầy đủ theo quy trình và quy định pháp luật, không có tình trạng phiền hà, gây khó từ các cán bộ, công chức tỉnh Thái Nguyên.
“Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thì sự đồng hành, quan tâm của chính quyền tỉnh Thái Nguyên là vô cùng ý nghĩa và cần thiết, giúp doanh nghiệp có thêm động lực và niềm tin để vượt qua mọi trở ngại, tiếp tục phấn đấu xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển, đóng góp chung cho sự phát triển của tỉnh”, đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp
Cùng với nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch luôn được tỉnh Thái Nguyên xác định là một trong những yếu tố quan trọng, then chốt. Với sự vào cuộc quyết liệt, cách làm sáng tạo, đột phá, công tác GPMB trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ rệt, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Sở TNMT Thái Nguyên cho biết, đất đai là lĩnh vực phức tạp, liên quan đến mọi đối tượng sử dụng đất, đặc biệt là công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Một trong các điều kiện dự án được giao đất, cho thuê đất khi hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì vậy công tác giải phóng mặt bằng có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm việc sử dụng đất hiệu quả.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.043 ha. Với mỗi dự án ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các quy trình trong công tác GPMB để bàn giao cho chủ đầu tư thi công hạ tầng kỹ thuật. Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động các hộ dân hiểu về ý nghĩa, vai trò của khu công nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đa số các dự án được đảm bảo tiến độ thi công và nhanh chóng thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp.
Công tác thu hồi đất, GPMB có tính chất rất phức tạp, không đơn giản chỉ là áp dụng pháp luật thuần túy. Do đó, để khắc phục khó khăn, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, cần phải triển khai thực hiện một số giải pháp đồng bộ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. GPMB phải thực hiện theo nguyên tắc “đúng ngay từ đầu”; trong xử lý phải cương quyết, nhất quán, dám chịu trách nhiệm khi giải quyết những vấn đề có khó khăn, vướng mắc vì lợi ích chung; quá trình thực hiện phải đảm bảo công khai, minh bạch và phải luôn đề cao trách nhiệm giải trình. Nếu có nội dung chưa được thực hiện đúng thì cần phải điều chỉnh, sửa đổi ngay, không được để sự việc diễn biến phức tạp.
“Khi quyền, lợi ích chính đáng của người dân bị thu hồi đất đã được nhà nước quan tâm tốt nhất, bảo đảm đúng chính sách, chế độ quy định thì phải có biện pháp cương quyết, nhất quán để xử lý”.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...