Đó là ý kiến của các địa phương, chuyên gia trước những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án quy hoạch nuôi biển tại 28 địa phương theo Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính Phủ.
Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ
Theo ông Nguyễn Khắc Lâm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, thực hiện Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, Ninh Thuận đã quy hoạch 02 vùng nuôi biển nước sâu ứng dụng công nghệ cao để kêu gọi đầu tư với quy mô diện tích 2.253 ha trên vịnh Phan Rang (vùng biển xã Thanh Hải, Nhơn Hải). Trong đó, khu nuôi trồng thủy sản biển chuyên canh có diện tích 957,6 ha và khu nuôi trồng thủy sản biển kết hợp phát triển điện gió gắn với du lịch có diện tích 1.295,63 ha. Song, việc giao mặt nước biển lại không thuộc thẩm quyền của địa phương nên rất khó cho Ninh Thuận trong quá trình thực hiện, cũng như thu hút đầu tư.
Cũng theo ông Lâm, ngoài ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch quỹ đất 168 ha để phục vụ hậu cần cho các dự án nuôi biển và hiện đã hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc liên quan tới cơ chế, thủ tục, thẩm quyền, các quy định về giao đất… nên chưa có cơ sở để địa phương kêu gọi, thu hút đầu tư.
Tương tự, ông Đào Quang Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Phú Yên, cho biết: Phú Yên là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản, đối tượng nuôi chủ lực là tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm) và một số đối tượng thủy sản nuôi mặn, lợ khác như: cua xanh, cá mú, cá giò…
Mặc dù tỉnh Phú Yên có nhiều lợi thế là vậy, và cũng đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm khảo sát khu vực biển, đất nuôi trồng thuỷ sản để thực hiện đầu tư, tuy nhiên, theo ông Minh, do các quy hoạch về nuôi trồng thủy sản trước đây hết hiệu lực theo Luật Quy hoạch nên không thể thực hiện. Chưa kể, hiện quy hoạch không gian biển quốc gia chưa ban hành, quy hoạch tỉnh mới được công bố vào ngày 03/3/2024. Vì vậy, việc quy hoạch nuôi biển của Phú Yên đến nay vẫn chưa có cơ sở để xác định mốc giới vùng nuôi trồng thủy sản cụ thể. Bên cạnh đó, việc xác định các vùng nuôi hiện có bị chồng lấn các quy hoạch kinh tế - xã hội khác hay không? Đặc biệt là những vấn đề liên quan tới quy hoạch không gian biển quốc gia về lĩnh vực quốc phòng, an ninh…
“Để hiện thực hoá đề án quy hoạch nuôi biển, Phú Yên rất mong các bộ, ngành sớm ban hành các quy định, đặc biệt là gỡ những điểm nghẽn trong quá trình thực hiện quy hoạch”, ông Đào Quang Minh kiến nghị.
Hiện thực hoá đề án nuôi biển
Liên quan đến những bất cập về quy hoạch trong quá trình thực hiện đề án nuôi biển, trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS Kim Văn Vạn - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trong Quyết định 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì có tới 10 bộ, ngành và 28 địa phương có đường ven biển triển khai thực hiện đề án.
Có thể nói, đây là vấn đề rất lớn được thể hiện thông qua sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị vì sự phát triển của ngành thuỷ sản Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này cũng là áp lực rất lớn vì có quá nhiều bộ, ngành tham gia thực hiện đề án. Chỉ tính riêng việc lấy ý kiến từ các bộ, ngành cũng đã mất khá nhiều thời gianm. Chưa kể, để thống nhất và đồng bộ hoá về thể chế, thẩm quyền, chính sách; các cơ chế, giải pháp hay các quy định về quy hoạch vùng nuôi cho mỗi địa phương vì có tính chất, đặc thù khác nhau thì đây cũng là vấn đề nan giải và áp lực cho các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện.
Do đó, để hiện thực hoá đề án phát triển nuôi biển theo Quyết định 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì các bộ, ngành và 28 tỉnh thành cần tổ chức hội nghị, diễn đàn mang tầm vĩ mô để lắng nghe, mổ sẻ các vấn đề để có tiếng nói chung, đi đến thống nhất và đưa ra những quyết định đúng đắn, đúng quy định pháp luật.
Cũng theo PGS.TS Kim Văn Vạn, mục tiêu của việc tổ chức diễn đàn, hội nghị là để lấy ý kiến, các giải pháp từ chuyên gia, các bộ, ngành, đặc biệt là 28 tỉnh thành ven biển. Song, đây là vấn đề lớn, mang tầm quốc gia nên rất cần sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo kịp thời, đặc biệt là những vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án.
“Việc gỡ vướng, giải quyết các điểm nghẽn về quy hoạch nuôi biển phải được bắt đầu từ Trung ương tới địa phương và ngược lại. Trong đó, lãnh đạo của 28 tỉnh thành sẽ làm nhiệm vụ nòng cốt cùng với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế để phản biện và đưa ra những cảnh báo, bất cập.
Bên cạnh đó không thể thiếu các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, tập đoàn, người nông dân. Bởi, đây là những đối tượng chính góp phần hiện thực hoá đề án nuôi biển thành công. Và khi đề án nuôi biển thành công thì đây cũng sẽ là một trong những giải pháp đồng bộ nhằm giảm dần cường lực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, nâng cao hiệu quả khai thác, đồng nghĩa với việc nâng cao thu nhập, đời sống cho lao động nghề biển, giảm thiểu khai thác vi phạm IUU, hướng đến gỡ “thẻ vàng” EC cho ngành thuỷ sản Việt Nam”, PGS TS Kim Văn Vạn nhấn mạnh.