Đây là dự báo của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), tại kỳ điều hành 21/12, giá xăng dầu bán lẻ trong nước có thể đảo chiều tăng từ 1,7 - 3,1% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định không trích lập hoặc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Cụ thể, VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong nước trong kỳ điều hành ngày 21/12/2023 có thể tăng khoảng 523 - 658 đồng, lên mức 21.033 đồng/lít (E5 RON 92) và 22.058 đồng/lít (RON 95).

Giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ tăng?

VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong nước trong kỳ điều hành ngày 21/12/2023 có thể tăng khoảng 523 - 658 đồng, lên mức 21.033 đồng/lít (E5 RON 92) và 22.058 đồng/lít (RON 95)

Trong khi đó, giá dầu bán lẻ trong nước được mô hình của VPI dự báo có thể tăng 279 - 363 đồng, khiến giá dầu diesel tăng lên mức 19.373 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng lên 20.307 đồng/lít, giá dầu mazut tăng lên 15.249 đồng/lít. Mô hình của VPI dự báo kỳ này Liên bộ không trích lập hoặc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trên thị trường thế giới, giá dầu đã tăng hơn 1% vào phiên giao dịch ngày 19/12, kéo dài đà tăng của phiên trước đó do lo ngại thương mại hàng hải qua Biển Đỏ bị gián đoạn và buộc nhiều công ty phải định tuyến lại tàu.

Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 1,6%, lên 79,23 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 1/12/2023. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2024 tăng 1,3%, chốt ở mức 73,44 USD/thùng, cũng là mức cao nhất trong hơn 2 tuần.

Theo ông Rob Thummel, Giám đốc điều hành Tortoise Capital có trụ sở tại Kansas (Mỹ), các sự cố ở Biển Đỏ đang làm tăng rủi ro địa chính trị. Điều này khiến giá dầu tăng cao hơn khi các nhà giao dịch đánh giá khả năng gián đoạn nguồn cung gắn liền với rủi ro địa chính trị ngày càng tăng.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs lại cho rằng sự gián đoạn trên tuyến vận tải hàng hải Biển Đỏ khó có thể ảnh hưởng lớn đến giá dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vì cơ hội định tuyến lại tàu cho thấy hoạt động sản xuất sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp.