Cuộc thi tạo nên phong trào tìm hiểu các nội dung liên quan đến công tác CCHC, qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết của CBCCVC và người lao động trên địa bàn trong công tác CCHC.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông với Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp về những hiệu quả mang lại thông qua Cuộc thi trực tuyến tuyên truyền, tìm hiểu về công tác Cải cách hành chính năm 2024. Theo người đứng đầu ngành Nội vụ tỉnh Đắk Nông thì, đây là năm đầu tiên tỉnh tổ chức cuộc thi nhằm thu hút nhiều đối tượng tham gia tìm hiểu cải cách hành chính (CCHC) và các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính (TTHC).
- Thưa bà, năm đầu tiên Đắk Nông tổ chức Cuộc thi trực tuyến tuyên truyền, tìm hiểu về công tác CCHC chắc hẳn Sở có sự chuẩn bị rất kỹ?
Đúng vậy! Công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Cuộc thi được Sở triển khai thực hiện theo Quyết định số 1794/QĐ-UBND ngày 27/12/2023 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Đắk Nông năm 2024.
Theo đó, ngày 15/7/2024, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành Kế hoạch số 51/KH-SNV, tổ chức Cuộc thi trực tuyến tuyên truyền, tìm hiểu về công tác CCHC năm 2024 và ngày 16/7/2024 Sở ra Quyết định số 179/QĐ-SNV, thành lập Ban Tổ chức, Tổ Thư ký Cuộc thi trực tuyến tuyên truyền, tìm hiểu về công tác CCHC năm 2024.
Sau khi thành lập, Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành Thể lệ cuộc thi và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng phần mềm; đăng tải tài liệu tham khảo; cung cấp đường link; hướng dẫn đăng ký tài khoản dự thi được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Cụ thể, báo Đắk Nông, Đài PTTH tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin Sở Nội vụ và trang thông tin của các Sở, ngành, địa phương.
Đồng thời, thành lập Hội đồng xét duyệt và Tổ biên soạn Bộ câu hỏi của Cuộc thi với sự tham gia của 15 công chức (trong đó: 07 công chức Hội đồng xét duyệt Bộ câu hỏi; 08 công chức Tổ soạn thảo Bộ câu hỏi) có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ tham mưu nhiệm vụ CCHC theo lĩnh vực được UBND tỉnh phân công; Ban Tổ chức đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Bộ câu hỏi và đáp án gồm 200 câu hỏi trắc nghiệm và đưa vào phần mềm chạy thử nghiệm trước khi phát động cuộc thi.
- Thực tế, công tác thông tin và truyền thông về cuộc thi là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo cuộc thi đạt được mục tiêu theo kế hoạch. Vấn đề này đã được Sở chú trọng triển khai ra sao?
Sau khi ban hành Kế hoạch, để cuộc thi được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thu hút cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia dự thi, Sở đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp, triển khai phát động cuộc thi như: Phổ biến các văn bản liên quan đến cuộc thi; thời gian tổ chức thi; hướng dẫn cách đăng ký cuộc thi, tham gia thi và làm bài; đồng thời vận động, khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý nghiên cứu các nội dung, tài liệu, tích cực tham gia hưởng ứng cuộc thi; đảm bảo 80% số lượng cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị tham gia.
Trên cơ sở đó các đơn vị, địa phương đã quán triệt, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc thi; đăng tải thông tin về cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng; ban hành các văn bản triển khai, tuyên tuyền; lồng ghép qua các cuộc họp giao ban, các buổi sinh hoạt chuyên đề về CCHC; tuyên truyền qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, Fanpage... để tạo điểm nhấn, sức lan tỏa của cuộc thi đến với đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
- Như vậy, công tác chuẩn bị các điều kiện cuộc thi như: Xây dựng bộ câu hỏi và phần mềm thi trắc nghiệm chắc hẳn đã được Sở chuẩn bị và chắt lọc kỹ, đảm bảo yêu cầu cuộc thi đã đề ra?
Thực tế Ban Tổ chức cuộc thi đã chỉ đạo Tổ biên soạn bộ câu hỏi, Tổ thẩm định bộ câu hỏi triển khai xây dựng và thẩm định bộ câu hỏi và đáp án gồm 200 câu hỏi để phục vụ cuộc thi. Bộ câu hỏi được xây dựng theo hướng ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Nội dung câu hỏi phong phú, toàn diện là những nội dung được quy định trong các văn bản về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, pháp luật liên quan đến các nội dung của các Chỉ số: CCHC (PAR INDEX), Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS); Chuyển đổi số (DTI).
Còn về thi trắc nghiệm trực tuyến trên mạng Internet là hình thức mới trong việc tuyên truyền, phổ biến công tác CCHC. Ban Tổ chức cuộc thi đã nghiên cứu, tìm hiểu và hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ thuê phần mềm thi trực tuyến với cách thức đăng ký dự thi đơn giản để đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thể dễ dàng tham gia dự thi.
Ngoài ra, phần mềm có nhiều thuận lợi trong việc sàng lọc, tổng hợp kết quả tham gia cuộc thi của các đơn vị, địa phương. Trước khi triển khai cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhiều lần kiểm tra, thi thử để đánh giá phần mềm, phát hiện những sai sót, tiếp nhận các ý kiến đánh giá, góp ý để yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ tiếp tục hoàn thiện phần mềm. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi, các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, nhân lực được huy động nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho cuộc thi.
- Qua việc tổ chức cuộc thi, với cương vị người đứng đầu ngành Nội vụ bà có đánh giá, nhìn nhận?
Cuộc thi diễn ra trong 05 ngày thi thử, 10 ngày thi chính thức, Ban Tổ chức cuộc thi đã phân công thành viên Ban Tổ chức và thành viên Tổ Thư ký cuộc thi trực nhằm phát hiện và xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố; đảm bảo không gián đoạn, gây ảnh hưởng đến người dự thi.
Kết thúc cuộc thi, toàn tỉnh có 7003 thí sinh tham gia dự thi (trong đó có 19/19 Sở, ngành; 08/08 huyện, thành phố; 71 xã, phường, thị trấn; 03/03 đơn vị ngành dọc (Thuế, BHXH, KBNN)) tham gia dự thi. Bên cạnh đó, các đơn vị như: Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp; Liên đoàn Lao động tỉnh; Công an tỉnh và các huyện, thành phố; Ban Chỉ huy quân sự tỉnh và các huyện, thành phố; Tòa án, Viện Kiểm sát; các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; trường học các cấp trong địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp tham gia hưởng ứng nhiệt tình cuộc thi.
Một số cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả, có số lượng người dự thi cao như: Huyện Đắk Mil (1.364 người); huyện Cư Jút (1.169 người); Đắk Song (1.074 người); Bảo hiểm xã hội (139 người); kho bạc nhà nước (128 người); Sở Y tế (235 người)….
Với những kết quả trên, cuộc thi được đánh giá là thành công và đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, không phô trương, hình thức. Phần lớn các bài thi đều trả lời đủ 30 câu hỏi, trong đó có 278 người/7.003 người (4%) tham gia dự thi đạt điểm tối đa 90/90 điểm đã thể hiện ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm và thái độ nghiêm túc của người dự thi. Bài dự thi thể hiện ý thức tìm hiểu về các nội dung thuộc lĩnh vực CCHC của cá nhân, tổ chức được nâng lên rõ nét.
Cuộc thi không chỉ thể hiện ở số lượng, chất lượng bài dự thi, mà quan trọng hơn là qua cuộc thi đã tạo nên một phong trào tìm hiểu về các nội dung liên quan đến công tác CCHC, qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh trong công tác CCHC. Căn cứ Thể lệ và kết quả tham gia dự thi, Ban Tổ chức ban hành quyết định công nhận và trao thưởng cho 05 cá nhân và 05 tập thể xuất sắc, tổng giá trị của các giải thưởng 29 triệu đồng.
Điều đáng nói là, cuộc thi đã phổ biến sâu rộng những nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật về 07 nội dung liên quan đến công tác CCHC cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động góp phần nâng cao nhận thức chung về công tác CCHC, sự hiểu biết pháp luật khi thực hiện TTHC và hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Thành công của cuộc thi không chỉ ở số lượng, chất lượng bài dự thi mà điều quan trọng hơn là cuộc thi đã tạo nên một phong trào sổi nổi, thu hút nhiều đối tượng tham gia tìm hiểu CCHC và các quy định của pháp luật về TTHC.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, đôn đốc triển khai sâu rộng, nhiều đơn vị ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai đề khuyến khích mọi người dự thi, do đó số lượng, chất lượng dự thi được nâng lên.
Tuy nhiên, qua cuộc thi Ban tổ chức cũng nhận thấy một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động triển khai tuyên truyền, phổ biến cuộc thi đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nên một số cơ quan, đơn vị, nhất là Sở, ngành cấp tỉnh, một số huyện, thành phố có số lượng người tham gia dự thi còn ít.
Mặt khác, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia cuộc thi chưa cao nên vẫn còn hiện tượng trả lời câu hỏi cảm tính, sơ sài, tham gia để có bài dự thi, chất lượng bài tham gia dự thi chưa cao (số người tham dự thi đạt điểm 0/90 điểm có 90 người).
- Để phát huy những hiệu quả mang lại thông qua cuộc thi, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế Cuộc thi trực tuyến tuyên truyền, tìm hiểu về công tác Cải cách hành chính năm 2025 và những năm tiếp theo, bà có đề xuất gì với tỉnh?
Qua việc tổ chức đánh giá về cuộc thi, tôi đề xuất hàng năm, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo bố trí kinh phí để triển khai các cuộc thi tương tự để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của cá nhân, tổ chức trong công tác CCHC góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Riêng đối với các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thì, tiếp tục tuyên truyền những nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật liên quan đến các nội dung về công tác CCHC, đặc biệt tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ cơ bản của cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi thực hiện TTHC và cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...