Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện lấy ý kiến các vấn đề liên quan để thực hiện.

Một triệu héc ta lúa chất lượng cao: Doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí giảm phát thải

Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả.

Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.

Từ thí điểm thành công, mô hình này tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa "Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao" trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam cho biết Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhất trí chọn Đề án là một trong những dự án trọng điểm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ dành cho Việt Nam khoản vay 500 triệu USD.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, số liệu tính toán ban đầu của đơn vị này, 1 héc ta sản xuất lúa sẽ giảm được khoảng 10 tấn khí thải, trong khi mỗi tấn giảm đi sẽ được chi trả khoảng 10 đô la Mỹ, tức mỗi héc ta có thêm 100 đô la Mỹ tiền bán tín chỉ carbon.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giai đoạn đầu đến năm 2025, 12 địa phương vùng ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre) sẽ triển khai với tổng diện tích khoảng 180.000 héc ta.

Chia sẻ về giải pháp giúp người nông dân thực hiện giảm phát thải trong đề án này, ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện môi trường nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện có nhiều công cụ đánh giá hoạt động giảm phát thải (MRV) và đơn vị này đang tìm kiếm một phương pháp chuẩn được chấp thuận của đơn vị chi trả, đó là Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy nhiên, hoạt động quan trọng giúp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, đó là rút khô nước trước và trong quá trình canh tác. Bởi, khi ruộng khô nước vi sinh phân giải khí metan sẽ không hoạt động hay nói cách khác phát thải sẽ giảm. Theo đó, thời gian rút nước càng lâu, thì phát thải sẽ càng thấp.

“Trong vụ, chúng ta có hai biện pháp giảm phát thải bao gồm, thứ nhất là rút nước giữa vụ; thứ hai là tưới ngập khô xen kẽ”, ông Trịnh cho biết.

Theo vị đại diện của Viện môi trường nông nghiệp, hệ số giảm phát thải khí nhà kính nếu rút nước 1 lần giữa vụ có thể giảm được 29%, khi rút nước nhiều lần trong vụ (ngập khô xen kẽ) có thể giảm được 45% lượng phát thải trong 1 vụ lúa.

Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trong quá trình xây dựng các tiêu chí liên quan để thực hiện đề án. Trong đó, đối với vấn đề rút nước ra khỏi đồng ruộng, tiêu chí dự kiến áp dụng là mỗi ô bao sẽ có diện tích 50 héc ta.

“Chúng tôi đã khảo sát rất kỹ và đưa ra tiêu chí diện tích bình quân của mỗi ô bao để đo mức thải khí nhà kính là trên dưới 50 héc ta”, ông Nam cho biết và giải thích, đây là diện tích lý tưởng để áp dụng kỹ thuật rút nước ra khỏi đồng ruộng được nhanh chóng và thuận lợi. Còn thực hiện mỗi ô bao 1.000-2.000 héc ta sẽ không chủ động trong rút nước. 

Đáng lưu ý, đề án đưa ra tiêu chí huy động doanh nghiệp tham gia vào là phải có hợp đồng liên kết sản xuất với quy mô ít nhất phải 5.000-10.000 héc ta. Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, doanh nghiệp phải liên kết sản xuất ít nhất phải 5.000-10.000 héc ta. Doanh nghiệp tham gia mua lúa 200-300 héc ta không phải là liên kết.

“Doanh nghiệp phải đầu tư đầu vào, đầu ra vào một vùng nguyên liệu, thì mới gọi là hợp đồng liên kết sản xuất. Còn như thời gian qua bàn luận nhiều nhưng cuối cùng chỉ là mua lúa thôi. Chúng ta phải phân biệt rõ điều này, không khéo chúng ta nhầm lẫn. 1 triệu héc ta, mà doanh nghiệp tham gia chỉ 200-300 héc ta, thì biết bao nhiêu doanh nghiệp cho đủ, cho nên, chúng tôi hướng đến phải là doanh nghiệp lớn”, ông Nam nhấn mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khi doanh nghiệp tham gia vào đề án sẽ có nhiều cái lợi, trong đó, đầu tiên là có được vùng nguyên liệu; thứ hai, là có được tín dụng để mua lúa lúc thu hoạch. Bộ này sẽ làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước để dành 1 khoản tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia đề án này để mua lúa trong lúc thu hoạch. Tổ chức tài chính của WB cũng đồng ý khi có bộ tiêu chí này họ sẵn sàng giải ngân cho đơn vị tham gia theo hướng hỗ trợ cho dự án.

Đồng quan điểm, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành rất cần vùng nguyên liệu lớn, cung cấp đầu vào chất lượng cao và ổn định, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, từ đó có thể nâng cao giá trị sản phẩm của doanh nghiệp khi tham gia thị trường gạo thế giới. Việc triển khai Đề án tạo cơ hội để các doanh nghiệp có thể liên kết với nông dân một cách bền vững, có vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Bởi Đề án đặt mục tiêu 100% diện tích sản xuất có liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã/tổ hợp tác/tổ chức nông dân.

Doanh nghiệp tham gia liên kết có thể vừa cung cấp đầu vào, vừa tiêu thụ nông sản cho nông dân. Như vậy, liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ trở nên bền vững hơn, hạn chế tình trạng phá hợp đồng. Doanh nghiệp cũng có cơ hội xuất khẩu gạo dưới thương hiệu “giảm phát thải” hay “phát thải thấp”, từ đó nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Ngoài áp dụng kỹ thuật tưới kể trên, ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện môi trường nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, hoạt động tiếp theo để giảm phát thải khí nhà kính là bón phân và quản lý rơm rạ trên đồng ruộng.

Một triệu héc ta lúa chất lượng cao: Doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí giảm phát thải

Mục tiêu đề án 1 triệu héc ta là giảm lượng phân đạm, cho nên, không khuyến khích người nông dân tăng đạm.

Đối với bón phân, khuyến cáo được ông Trịnh đưa ra, đó là không bón nhiều phân hoá học, nhất là đạm, bởi nó sẽ làm tăng phát thải khí nhà kính. “Mục tiêu đề án 1 triệu héc ta là chúng ta giảm lượng phân đạm, cho nên, không khuyến khích người nông dân tăng đạm”, ông nói.

Theo ông, việc san phẳng đồng ruộng bằng máy laser để đảm bảo việc rút nước, nhưng vận hành máy móc thực hiện công việc này cũng làm tăng phát thải. “Lượng tăng này sẽ tính vào lượng giảm phát thải. Chẳng hạn, quy trình canh tác giảm được 5 tấn, mà dùng máy móc làm tăng 2 tấn, thì kết quả cuối cùng chỉ được 3 tấn”, ông Trịnh cho biết.

Theo ông Trịnh, thông qua một MRV được lựa chọn, kết quả phát thải cuối cùng sẽ được xác định. Theo đó, sẽ có 3 cơ sở để xác định hệ số phát thải: thứ nhất là dữ liệu nông dân điền vào; thứ hai là kết quả quan trắc MRV của cán bộ khuyến nông và thứ ba là hệ thống đo đếm tham chiếu.

“Chúng tôi đo tham chiếu ở ĐBSCL để biết phát thải thật sự của các hệ thống canh tác ở đây là bao nhiêu, rồi qua hệ thống này, MRV sẽ tính toán ra lượng phát thải của ruộng lúa là bao nhiêu”, ông Trịnh cho biết.