“Làn sóng thứ 3” khiến Việt Nam phải nhập cà phê Braxin?

Việt Nam đang tăng cường nhập khẩu cà phê Braxin

Theo số liệu của Hiệp hội xuất khẩu cà phê Braxin (Cecafé), các lô hàng cà phê từ Braxin đến Việt Nam đã tăng mạnh, tăng hơn sáu lần trong 12 tháng tính đến tháng 1-2024.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, thì cà phê nhập khẩu từ “cường quốc cà phê” Nam Mỹ này đang để phục vụ ngành cà phê hòa tan của Việt Nam.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, một số công ty nhập khẩu cà phê của Braxin để thực hiện các hợp đồng đã ký cũng như để sản xuất cà phê rang.

Cà phê Việt Nam cũng đang gặp khó vì thời tiết khắc nghiệt. Hiện tượng El Niño đã mang đến tình trạng khô hạn cực độ cho Đông Nam Á, làm giảm sản lượng ở Việt Nam, khiến nông dân nhiều người bỏ cà phê chuyển sang trồng cây khác và khiến giá nội địa tăng vọt. Cà phê Việt Nam hiện đang được giao dịch ở mức cao hơn 30 USD so với cà phê Braxin.

Không những thế, nguồn cung hạt cà phê cũng cạn kiệt. Bà Lan Anh cũng cho biết hiện rất khó để mua được hạt cà phê từ nông dân. Những điều này khiến việc mua cà phê của Braxin trở nên “hấp dẫn”.

Ngoài việc khan hiếm nguồn cung, thì khẩu vị người Việt bắt đầu thay đổi cũng khiến Việt Nam phải nhập cà phê từ Braxin.

Tuy Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, nhưng hầu hết chỉ là loại cà phê Robusta. Khẩu vị lâu nay của người Việt cũng ưa chuộng loại cà phê này. Dân Việt đa phần chuộng cà phê sữa đá làm từ cà phê pha phin thêm sữa đặc, với loại hạt thường được sử dụng là Robusta có vị đắng đậm mạnh mẽ. Các chuỗi sử dụng hương vị “đậm” có thể kể đến Trung Nguyên, Ông Bầu hay PhinDeli.

Trong khi đó, hầu hết các chuỗi quốc tế phục vụ cà phê pha từ hạt Arabica, đắt hơn Robusta, nhưng hàm lượng caffeine chỉ bằng một nửa Robusta, hương vị đặc trưng là chua thanh và đắng nhẹ, và bị người uống cà phê lâu năm chê là “nhạt, nhẹ”.

Tuy nhiên, có một xu hướng mới đang bắt đầu diễn ra ở Việt Nam, tên là “làn sóng cà phê thứ 3”. Đó là xu hướng sản xuất cà phê chất lượng cao và xem cà phê như một nghệ thuật thủ công, chứ không đơn thuần là một hàng hóa. “Làn sóng cà phê thứ ba” hướng đến trải nghiệm và chất lượng cà phê cao nhất. Từ đó ra đời những thương hiệu cà phê có hương vị đặc trưng của riêng mình.

Làn sóng thứ 3 bắt đầu nổi lên khoảng đầu những năm 2010 và lan rộng khắp thế giới, gần đây đã lan tới Việt Nam. Nhiều tín đồ cà phê Việt bắt đầu coi cà phê là “thú ăn chơi tinh tế”.

Thời gian vừa qua có nhiều thương hiệu ngoại mang “làn sóng thứ 3” này tới Việt Nam. Có thể kể đến như %Arabica hay 10.000 (Ten Thousand Coffee).

“Làn sóng thứ 3” này đang biến đổi dần thị trường cà phê Việt Nam. Tờ Fortune nhận định rằng, cà phê Việt đang có sự thay đổi mạnh mẽ về khẩu vị và biến Việt Nam từ nhà sản xuất thành một thị trường tiêu thụ lớn.

Chính vì thế, tuy là nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, nhưng giờ Việt Nam lại trở thành một khách hàng lớn nhập khẩu lại cà phê Arabica của Braxin. Tất cả để chiều lòng khẩu vị mới của các “thượng đế” Việt Nam.