Mới đây, GSM đã công bố nền tảng kinh doanh chia sẻ Xanh SM Platform. Theo đó, kể từ ngày 20/03/2024, các chủ xe điện VinFast trên toàn quốc có thể đăng ký trở thành đối tác kinh doanh dịch vụ vận tải của Xanh SM, bao gồm cả các địa phương họ chưa trực tiếp hiện diện.

GSM toan tính “vẽ lại” bản đồ thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam?

GSM ra mắt nền tảng kinh doanh chia sẻ dành riêng cho ô tô điện VinFast, Xanh SM Platform.

Đây có thể được coi là bước đi chiến lược của GSM sau một năm thành lập, đưa công ty này từ một doanh nghiệp vận tải trở thành công ty công nghệ cung cấp nền tảng đa dịch vụ thuần điện đầu tiên tại Việt Nam.

Theo công bố của GSM, sau khi đăng ký thành công, các đối tác tài xế sẽ được đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ và các tiêu chuẩn dịch vụ của Xanh SM để đảm bảo đồng bộ về chất lượng dịch vụ giữa Xanh SM Taxi và Xanh SM Platform.

Như vậy là, bên cạnh cơ hội tiếp cận ngay với hàng triệu khách hàng của GSM, các chủ xe điện VinFast tại Việt Nam còn được hưởng cơ chế chia sẻ doanh thu cạnh tranh vượt trội. Cụ thể, tham gia Xanh SM Platform trong năm 2024, các chủ xe sẽ được hưởng mức chia sẻ doanh thu tốt nhất thị trường hiện nay, lên tới 80%. Trong khi đó, thông qua Xanh SM Platform, khách hàng cũng sẽ dễ dàng gọi xe, khi quy mô đội xe tăng nhanh và phủ rộng tất cả các tỉnh thành với chất lượng dịch vụ đồng nhất theo chuẩn Xanh SM.

Nhìn vào động thái này của GSM, người ta có thể hình dung ra bóng dáng của những bước đi thuở ban đầu của gã khổng lồ gọi xe Grab, tuy nhiên trong đó vẫn có nhiều điểm khác biệt.

GSM toan tính “vẽ lại” bản đồ thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam?

Grab là một trong những công ty cung cấp đa dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu Đông Nam Á.

Grab là “kỳ lân” công nghệ đến từ Đông Nam Á, được thành lập vào năm 2012. Với những cải tiến đột phá và cuộc cách mạng dữ liệu, Grab đã nổi lên như một công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực theo yêu cầu. Khởi đầu là một dịch vụ gọi xe, Grab hiện đã mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, khẳng định mình là một “siêu ứng dụng” theo yêu cầu. Grab hiện hoạt động trên nhiều thành phố ở nhiều quốc gia khác nhau, họ đã phát triển thành một nền tảng cung cấp đa dịch vụ hàng đầu tại Đông Nam Á.

Trên thực tế, Grab là công ty tổng hợp trực tuyến với mô hình kinh doanh đơn giản nhưng tiên tiến. Họ cung cấp một nền tảng trực tuyến cho những người đang tìm kiếm chuyến đi và kết nối họ với những người thích hợp sẵn sàng cung cấp dịch vụ đi xe. Mô hình kinh doanh của Grab dựa trên hoa hồng. Nó khấu trừ từ 16% đến 25% giá vé đi xe dưới dạng hoa hồng tùy theo thị trường và đưa cho tài xế số tiền còn lại.

Giống như bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác, hành khách là nguồn sống của Grab. Họ phát triển một ứng dụng mở nhằm mang lại trải nghiệm cho người dùng. Nó sử dụng công nghệ tiên tiến để xác định vị trí chuyến xe có sẵn gần nhất và đưa tài xế lên xe để hành khách có thể được đón trong vòng vài phút sau khi họ tìm kiếm.

Với 2,8 triệu tài xế và hơn 6 triệu chuyến đi hàng ngày, Grab là một trong những công ty cung cấp đa dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu Đông Nam Á. Tuy nhiên, giờ đây sự phát triển của Grab đã là một sự khác biệt rất lớn với thời điểm ban đầu khi mà ngoài dịch vụ gọi xe taxi, hoạt động kinh doanh của họ đã phát triển theo thời gian và phát triển nhiều nguồn doanh thu, bao gồm các nền tảng đặt hàng thực phẩm, khách sạn và cửa hàng tạp hóa.

GSM toan tính “vẽ lại” bản đồ thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam?

Liệu GSM có thể "vẽ lại" bản đồ gọi xe công nghệ Việt Nam?

Với những đặc điểm trên, có thể thấy bước đi của GSM rất tương tự cái cách mà Grab đã và đang trở thành một thế lực thống trị trong nền kinh tế chia sẻ ở Đông Nam Á. Song, có một sự khác biệt của GSM với Grab là việc họ đặt cho mình tham vọng phát triển thành một công ty công nghệ cung cấp nền tảng đa dịch vụ thuần điện đầu tiên tại Việt Nam và sau đó có thể là Đông Nam Á. Trong đó, Xanh SM Platform đóng vai trò là đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển của nền tảng kinh doanh dịch vụ chia sẻ, đưa hệ sinh thái di chuyển thuần điện của GSM nhanh chóng lan toả toàn quốc, từ đó có thể chiếm lĩnh vị thế trên thị trường.

Tuy nhiên, theo một báo cáo thống kê mới đây, tính cho đến thời điểm hiện tại thị phần gọi xe công nghệ Việt Nam, Grab vẫn đang chiếm phần lớn với 56%, hai cái tên theo sau là Mai Linh 11% và Be 8%. Như vậy, việc GSM có thể “vẽ lại” bản đồ thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam và giành lấy thị phần từ tay các đối thủ, đặc biệt là Grab hay không, có lẽ cần thêm thời gian. Song, như đã nói, GSM hiện đang sở hữu nhiều lợi thế từ hệ thống xe mới, dịch vụ chăm sóc khách hàng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng, cơ hội không phải là không có.