Giá kiện ký gửi đầu tiên rơi vào khoảng từ 35 đến 50 USD, tùy theo cấu trúc giá. Theo JetBlue, cấu trúc này dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả ngày cất cánh, tình trạng khách bay theo chuyến bay.
Hiện tại, JetBlue đang cung cấp khoản khuyến mãi 10 USD cho khách hàng nếu họ đặt thêm hành lý ký gửi trước ít nhất 24 tiếng trước khi bay. Giá ngày thấp điểm thường 35 USD, còn ngày cao điểm là 40 USD.
Mùa cao điểm năm nay kéo dài khoảng 6 tháng, gồm nguyên mùa hè nhộn nhịp và những giai đoạn trước - sau lễ Tạ ơn và Giáng Sinh. Trong năm 2025, mùa cao điểm rơi vào giữa tháng 2 (lễ Tình nhân & Ngày tổng thống) và hầu hết tháng 4 (kỳ nghỉ mùa xuân và lễ Phục sinh). JetBlue sẽ đăng tải đầy đủ những ngày được xếp loại “cao điểm” trên website của mình.
Nếu khách hàng đặt hành lý ký gửi trong vòng 24 giờ trước khi bay, giá cước sẽ tăng lên 45 USD cho ngày thấp điểm và 50 USD cho ngày cao điểm.
Hành khách trên các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vẫn được miễn phí kiện hành lý ký gửi đầu tiên, trừ những ai bay với hạng vé thấp nhất (Blue Basic - giá khoảng 60 đến 70 USD).
Hành khách sở hữu thẻ tín dụng mang thương hiệu JetBlue, mua vé hạng cabin Mint cao cấp, mua vé bao gồm hành lý ký gửi hoặc hạng Mosaic sẽ không bị áp mức phí hành lý mới.
Phát biểu về quyết định “định giá động” hành lý ký gửi, JetBlue cho biết chi phí vận chuyển hành lý đã tăng đáng kể vì cả tiền lương nhân viên lẫn phí nhiên liệu đều tăng cao. Đó là chưa kể JetBlue vẫn đang thua lỗ kể từ đại dịch COVID-19. Vậy nên “mặc dù không muốn” nhưng hãng hàng không này vẫn phải có những điều chỉnh với phí hành lý ký gửi.
Trên thực tế, JetBlue không phải là bên duy nhất làm như vậy. Từ vài tháng nay, hầu hết những hãng hàng không của Mỹ đều bắt đầu tăng cước hành lý ký gửi. American Airlines là bên có động thái đầu tiên, với việc tăng cước từ 30 USD lên 40 USD. Ngay sau đó, United Airlines, Delta Air Lines và gần đây nhất là JetBlue cũng làm tương tự. Với JetBlue, đây sẽ lần tăng giá thứ hai tính từ tháng 2.
Kể từ đại dịch, JetBlue đang chìm trong thua lỗ liên miên. Năm 2022, họ lỗ 260 triệu USD. Năm 2023 có cải thiện hơn chút, nhưng vẫn ở mức 151 triệu USD. Đó là còn chưa kể việc JetBlue đã cố gắng mua lại Spirit Airlines nhưng bị tòa án liên bang từ chối, dẫn đến phải đền bù cho Spirit 69 triệu USD để chấm dứt thỏa thuận mua bán.
Vài tuần trước, JetBlue thông báo giảm khá nhiều các chuyến bay tại sân bay quốc tế Los Angeles và tạm dừng khai thác chuyến bay tại 5 thành phố nhằm tập trung có các tuyến đem đến lợi nhuận nhiều hơn.
Nếu ngành hàng không, mà cụ thể là JetBlue, đang từng bước tiếp cận với việc định giá linh hoạt cho hành lý ký gửi, thì ngành dịch vụ ẩm thực cũng là một người chơi mới trong chiến lược này.
Chẳng hạn, McDonald’s đã thử nghiệm các bảng thực đơn kỹ thuật số có giá linh động tại một số điểm bán mua mang đi và trên các ứng dụng. Hoặc chuỗi nhà hàng Wendy’s Frosty cũng vừa đầu tư 20 triệu USD cho dự án thử nghiệm định giá động.
Theo các chuyên gia, nếu Wendy’s Frosty có thể thành công với định giá động thì đó sẽ là một bước ngoặt đối với ngành dịch vụ ẩm thực. Tuy nhiên vẫn có những rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn khách hàng sẽ phản hồi không mấy tích cực vì nghĩ “định giá động” chỉ dùng để tăng giá. Do đó các chuỗi nhà hàng sẽ phải triển khai từng bước thật cẩn thận.
Đối với ngành hàng không, chắc chắn việc khách hàng phản ứng là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng họ vẫn khá ráo riết và nhanh chóng trong việc tăng giá. Có lẽ vì dù sao số lượng hãng bay cũng không phong phú như số lượng các chuỗi nhà hàng.