Vì vậy, xây dựng, định vị thương hiệu cho nông sản Việt là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Cấp thiết định vị thương hiệu nông sản Việt

Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực 2 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Bộ NN&PTNT, TCTK, TTX

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhóm hàng nông sản đạt 5,18 tỷ USD, tăng 55,7%; nhóm lâm sản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 59,7%; nhóm thủy sản đạt 1,37 triệu USD, tăng 28,9%...

Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 54 tỷ USD. Hiện, nông sản Việt Nam có 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ)...

Để thúc đẩy phát triển, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình nhằm tạo chính sách để phát triển thương hiệu nông sản như: Chương trình sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 - 2030.

Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định phát triển 3 cấp độ thương hiệu gồm: thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực quốc gia; thương hiệu nông sản chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm OCOP với nhóm nông sản quy mô nhỏ.
Tuy vậy, thương hiệu nông sản Việt đến nay vẫn rất “mờ nhạt”, khi hiện có đến 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô; 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng.

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản của nước ta đang có tiềm năng, lợi thế rất lớn để mở rộng quy mô, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, việc xây dựng, định vị thương hiệu cho nông sản Việt trên thị trường thế giới là vấn đề trở lên vô cùng cấp thiết, chậm ngày nào, đồng nghĩa sẽ gây thiệt hại ngay ngày đó.

Theo các chuyên gia, hiện nay, việc xây dựng, định vị thương hiệu nông sản đã và đang đối mặt với không ít khó khăn, tồn tại như nông sản Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát chất lượng đảm bảo; chưa xác định được quyền lợi và nghĩa vụ rõ ràng của các thành viên tham gia sử dụng, khai thác thương hiệu tập thể đối với nông sản... hơn nữa, sự chủ quan và chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đã khiến nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ đánh mất tên thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước. Chưa kể, ngay cả đối với sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ thì việc áp dụng vào thực tế cũng còn nhiều vướng mắc.

Xây dựng, định vị thương hiệu quốc gia cho các nông sản chủ lực của Việt Nam không chỉ làm lợi cho người nuôi trồng là nông dân, mà còn góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng cho doanh nghiệp nông nghiệp và nền kinh tế. Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và trở thành nước phát triển, thu nhập cao năm 2045, công tác này cấp thiết cần được quan tâm, chú trọng trong thời gian tới.