Thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất và tiêu thụ xi măng, clinker chưa khá hơn, chỉ tương đương năm ngoái, với tổng sản lượng 44 triệu tấn, các nhà máy chạy 70-75% công suất thiết kế; tiêu thụ gần 44 triệu tấn, bằng so với cùng kỳ.

Báo động "sức khoẻ" doanh nghiệp ngành Xi măng, kiến nghị không khuyến khích dự án mới

6 tháng đầu năm 2024, sản xuất và tiêu thụ xi măng, clinker chưa khá hơn, chỉ tương đương năm ngoái, với tổng sản lượng 44 triệu tấn, các nhà máy chạy 70-75% công suất thiết kế.

Đơn cử như Tổng công ty Xi măng Việt (Vicem) thua lỗ gần gấp đôi cùng kỳ 2023. Cụ thể, trong báo cáo sơ kết 6 tháng, Vicem lỗ khoảng 863 tỷ đồng, con số này tăng gần gấp đôi so với mức lỗ 441 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân là do thị trường bất động sản trong nước chưa phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với nhu cầu; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo dự báo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), xuất khẩu xi măng, clinker trong năm 2024 tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi..

Đáng lưu ý, thị trường tiêu dùng xi măng ảm đạm, trong khi tổng công suất thiết kế của ngành xi măng quá lớn. Theo đó, năm 2024, sản lượng xi măng trong nước sẽ tiếp tục trong cảnh cung vượt cầu, thị trường nội địa dự kiến tiêu thụ khoảng 60-62 triệu tấn. Trong khi đó, cả nước hiện có 61 nhà máy xi măng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 117 triệu tấn/năm, năng lực sản xuất thực tế có thể đạt trên 130 triệu tấn/năm.

Hiệp hội Xi măng cho rằng nếu không tìm đường xuất khẩu thì nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó, đối mặt nguy cơ phá sản. Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi Măng Việt Nam cho biết, ngành xi măng đang gặp khó khăn rất lớn trong sản xuất, tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản hoặc bán một phần vốn cho nước ngoài. Riêng trong năm 2023 nhiều nhà máy xi măng phải dừng sản xuất nửa năm, có nhà máy dừng sản xuất cả năm.

Báo động "sức khoẻ" doanh nghiệp ngành Xi măng, kiến nghị không khuyến khích dự án mới

Báo cáo sơ kết 6 tháng, Tổng công ty Xi măng Việt (Vicem) thua lỗ 863 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức lỗ cùng kỳ năm ngoái.

Cũng bởi vậy, lo lắng sản xuất tiếp tục phình to, mà dư thừa công suất đã quá lớn, trong những công văn gửi Chính phủ gần đây, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị, không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào dự án xi măng, rà soát đầu tư các dự án xi măng, mục tiêu không làm gia tăng thêm dư thừa sản lượng.

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn mới đây, ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem đã trực tiếp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không thu hút cả vốn trong nước và vốn FDI đầu tư vào xi măng, nhằm giảm áp lực cho sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Khánh, 3 năm nay, tiêu thụ nội địa chỉ quanh quẩn 60 triệu tấn, trong khi công suất thực tế 123 triệu tấn và có thể hơn con số này rất nhiều thì bán đi đâu.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Cung kiến nghị, dư cung xi măng càng lớn hơn, khi 6 năm nay không còn quy hoạch ngành nữa, việc xét duyệt chủ yếu do địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ. Cần phải xem xét lại việc thực hiện quy hoạch, cấp phép cho các dự án xi măng.

Trên thực tế, năm 2017, Luật Quy hoạch có hiệu lực đã bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm, trong đó có sản phẩm xi măng, từ đó việc đầu tư các dự án sản xuất xi măng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Trước tình trạng dư thừa công suất sản xuất xi măng trên toàn quốc, dẫn đến khó kiểm soát tình hình cung cầu xi măng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, mới đây, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ nghiên cứu đề xuất thiết lập lại quy hoạch lĩnh vực này.

“Hiện áp lực về dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước là vô cùng lớn, khoảng 50 triệu tấn, trong khi tốc độ xây dựng rất chậm, dẫn đến áp lực nợ xấu của ngành xi măng đang và sẽ trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế, nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản”, Bộ Xây dựng lo ngại.