Các chuyên gia cho biết "thẻ không số" là một giải pháp để bảo vệ thông tin cá nhân cũng như an toàn cho các giao dịch không tiền mặt.
Tại hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" diễn ra trong khuôn khổ "Ngày không tiền mặt 2024", trả lời câu hỏi về việc, các tài khoản thẻ tín dụng bị rò rỉ thông tin trong quá trình thanh toán, bà Winnie Wong - Giám đốc quốc gia Việt Nam, Campuchia và Lào Mastercard - cho biết thời gian qua thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển rất mạnh. Do vậy những vấn đề rủi ro trong thanh toán ít nhiều sẽ phát sinh.
"Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, nguy cơ gặp phải tội phạm an ninh mạng là không thể tránh khỏi", bà Winnie Wong cho biết.
Chia sẻ về giải pháp phòng ngừa đánh cắp thông tin thẻ, đại diện Mastercard cho biết công ty đã và đang tích cực cho ra mắt các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro khi người dùng đánh mất thẻ hoặc bị kẻ xấu chiếm đoạt thông tin thẻ đối với hai loại thẻ phổ biến hiện nay là thẻ trực tuyến và thẻ vật lý.
Bà Winnie Wong - Giám đốc quốc gia Việt Nam, Campuchia và Lào Mastercard chia sẻ tại hội thảo
Với thẻ vật lý, đơn vị này luôn khuyến cáo người dùng bảo mật tuyệt đối thông tin thẻ, không chia sẻ số thẻ với người khác. Đồng thời, công ty kết hợp với mạng lưới đối tác rộng lớn để cho ra mắt giải pháp "thẻ không số" liên kết với ứng dụng trên điện thoại thông minh.
"Thẻ không số" là thẻ được mã hóa thông tin, khách hàng nên kết hợp thẻ và điện thoại của mình, qua đó có thể chủ động kiểm soát mở, đóng thẻ, hoặc kiểm soát cho phép thẻ chi tiêu trong nước, quốc tế, hoặc cài đặt hạn mức…
"Đây là phương thức bảo vệ thông tin thẻ tốt nhất hiện nay do mọi thông tin đều được mã hóa trên toàn hệ thống", bà Winnie Wong cho biết thêm. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh thêm, các phương thức lừa đảo và gian lận sẽ ngày càng trở nên tinh vi hơn. Do đó, đơn vị này vẫn phải liên tục đổi mới công nghệ, để bảo vệ người dùng.
Trước đó, trong tham luận với chủ đề "Thực trạng, chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng - Giải pháp ngăn ngừa", Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) - cho biết, hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài.
Năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng (tương đương 3,6% GDP). Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.
Toàn cảnh hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt”
Để phòng, chống các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, gây mất an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN cho biết đã xác định bảo đảm an ninh, an toàn thông tin là một trong những trụ cột chính trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng. Trong những năm qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về bảo đảm an toàn thông tin và hoạt động liên tục của các hệ thống thông tin.
Cụ thể, theo ông Lê Hoàng Chính Quang - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin từ đầu năm 2024 đến nay, NHNN đã có 7 văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin (trung bình mỗi tháng 1 văn bản). Đồng thời, phối hợp với lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề về công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin quan trọng tại các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...