Tính đến giữa tháng 12, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12,5%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 135 về việc tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Tính đến giữa tháng 12, tín dụng đã tăng khoảng 12,5%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn vốn đang được xem là trợ lực quan trọng, giúp doanh nghiệp tăng tốc sản xuất.
Đây là chiếc máy soi thực phẩm, bất kì dị vật nào trên sản phẩm, như một sợi tóc hay một miếng kim loại nhỏ chưa đến 1mm đều có thể bị phát hiện ra và máy sẽ tự động dừng lại. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể đảm bảo sản phẩm 100% không có dị vật và xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Để đầu tư hệ thống dây chuyền chế biến rau quả thực phẩm hiện đại doanh nghiệp phải mất vài chục tỷ đồng. Nhưng đổi lại, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng lên nhiều lần. 90% sản phẩm của doanh nghiệp đã được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản.
Ngân hàng phải đưa ra các gói vay ưu đãi riêng cho từng ngành, để phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp
Ông Đinh Cao Khuê – Chủ tịch CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Doveco cho biết: “Lãi suất giảm khoảng 1%, rất thuận lợi cho công ty có điều kiện sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt, ngân hàng đi cùng thuyền với chúng tôi, hiểu biết được sản xuất, hiểu biết được chế biến công nghiệp và hỗ trợ chúng tôi những lúc khó khăn”.
Theo các ngân hàng, mỗi nhóm ngành, lĩnh vực sẽ có đặc thù khác nhau, ví dụ nhu cầu vốn của doanh nghiệp thực phẩm chế biến với doanh nghiệp xây dựng sẽ khác nhau. Do đó, họ phải đưa ra các gói vay ưu đãi riêng cho từng ngành, để phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Cảnh Hùng – Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp SeABank nhận định: “Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp FMCG chuẩn bị hàng cuối năm, chúng tôi cũng có các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp FMCG, đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng như cho vay, cấp thấu chi, bảo lãnh thanh toán, có thể tín chấp hoàn toàn hoặc nhận tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ hay hàng tồn kho luân chuyển”.
Ông Trần Văn Luân – Phó Tổng giám đốc thường trực PGBank nêu ý kiến: “Đối với khách hàng doanh nghiệp tập trung vào các khách hàng ưu tiên của Chính phủ, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước. Còn đối với bán lẻ, chúng tôi tập trung rất nhiều vào những đối tượng khách hàng tiêu dùng, mua nhà, mua xe”.
Nhu cầu vốn cuối năm thường có xu hướng tăng cao. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của cả năm nay, ước tính sẽ có khoảng 300.000 tỷ đồng vốn được cho vay ra trong nửa cuối tháng 12.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...