Dòng tài sản mã hóa chảy vào Việt Nam đã lên đến hàng trăm tỷ USD, gấp khoảng 3-4 lần dòng vốn FDI vào nước ta.
Đây là ý kiến của nhiều tổ chức nghiên cứu, các nhà phân tích và các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Quản lý nhà nước về tài sản mã hóa: Những vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam” được tổ chức hôm nay, 29/8.
Hàng trăm tỷ tài sản mã hóa chảy vào Việt Nam
Theo các chuyên gia kinh tế, tài sản mã hóa là xu hướng phát triển tất yếu, các giao dịch liên quan tới tài sản mã hóa vẫn diễn ra trên thị trường và không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ theo thời gian. Báo cáo vừa được công bố của hãng nghiên cứu Chainalysis (Hoa Kỳ) cho thấy, trong 12 tháng (tính đến tháng 7/2023), dòng tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỷ USD, gấp khoảng 3-4 lần dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và tăng 20% so với giai đoạn 2021-2022 (khoảng 100 tỷ USD).
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam dự báo đến năm 2030, toàn cầu sẽ có 16.000 tỷ USD tài sản truyền thống được mã hóa. Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa và đứng thứ 7 với 17,4% dân số sở hữu tài sản mã hóa và thuộc TOP 30 quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất.
Trên thực tế, từ sự phát triển của tài sản mã hóa mà nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Hội đồng ổn định tài chính (Financial Stability Board, FSB), Tổ chức Quốc tế của các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng…đã ban hành các hướng dẫn, thông lệ tốt và khuyến cáo đối với các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Bên cạnh đó, việc thực hiện các giao dịch liên quan tới tài sản mã hóa cho mục đích rửa tiền là vấn đề nhức nhối trong thực tiễn thi hành pháp luật ở nhiều quốc gia hiện nay.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có các quy định pháp lý cụ thể liên quan đến lĩnh vực tài sản mã hóa. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh thêm: Hiện Việt Nam có tỷ lệ người dân sở hữu và giá trị tài sản mã hóa ở mức rất cao nhưng lại chưa có cơ sở pháp lý cụ thể về tài sản mã hoá. Ngân hàng Nhà nước không công nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán trong khi Bộ Tư pháp không coi đây là một loại tài sản, Bộ Công thương cũng không xem đây là một loại hàng hóa…Do đó, khoản thu thuế đối với 120 tỷ USD này đang bị thất thoát, chảy ra khỏi nước ta.
Thậm chí, “do lợi nhuận lớn, việc huy động vốn cộng đồng từ tài sản mã hóa đã xảy ra gian lận. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hình ảnh để thu hút huy động vốn từ cộng đồng”, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay.
Vừa mở đường, vừa kiểm soát thị trường tài sản mã hóa
Ngày 23/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 194/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì Hành động số 6 về xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ vào tháng 5/2025, với mục tiêu sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách rà soát tăng cường (Danh sách Xám) trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia.
Toàn cảnh sự kiện
Bàn cụ thể về câu chuyện này tại sự kiện, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phân tích, trước thực trạng thiếu quy định về tài sản mã hóa được người dân chấp nhận, sở hữu và giao dịch rất đông đảo kèm khối lượng lớn, tháng 6/2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã đưa Việt Nam vào Danh sách Xám, đồng thời đưa ra 17 khuyến nghị hành động đối với Việt Nam để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đáng chú ý, trong đó có khuyến nghị liên quan đến quản lý tài sản mã hóa. Điều này gây tác động lớn đến uy tín ngoại giao và tính cạnh tranh, hấp dẫn của nền kinh tế. Vì vậy, với áp lực đó, rõ ràng chúng ta cần nghiên cứu và xây dựng bộ công cụ pháp lý thích hợp để quản lý việc khai thác, giao dịch và cất trữ các tài sản mã hóa. Song song với đó khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ mạnh dạn nghiên cứu, triển khai các dự án liên quan đến tài sản mã hóa.
Còn theo TS. Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Việt Nam cần có phương án quản lý phù hợp để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain, tài sản số, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa…Trong đó, chúng ta chú ý thận trọng, đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội…
Hơn thế nữa, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, với khối lượng giao dịch sẽ tăng trưởng kép trong thời gian tới, tài sản mã hóa là dòng thuế mới vô cùng tiềm năng đối với bất kỳ quốc gia nào. Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số dự kiến được ban hành năm 2025 sẽ là cơ sở thu thuế Tài sản số tại Việt Nam khi nó đã được công nhận.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc đưa ra các quy định pháp lý liên quan đến quản lý tài sản mã hóa không chỉ góp phần quan trọng bảo vệ nhà đầu tư mà còn tăng cường khả năng thu thuế trên các giao dịch tài sản mã hóa, nâng cao khả năng kiểm soát các hoạt động rửa tiền, giảm thiểu rủi ro tài trợ khủng bố, quản lý tốt hơn dòng vốn chảy ra khỏi quốc gia.
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ có thể lựa chọn việc quản lý, giám sát tài sản mã hóa; thống nhất khái niệm “tài sản mã hóa” trong các văn bản pháp lý; quản lý các hoạt động liên quan tới tài sản mã hóa theo cách tiếp cận rủi ro, ưu tiên quản lý các hoạt động lưu ký; Để bảo vệ quyền lợi của người dân, Chính phủ cũng cần nâng cao nhận thức, tăng cường cung cấp thông tin, cảnh báo kịp thời, xây dựng đồng bộ cơ chế bảo vệ được quy định trong luật bảo vệ người tiêu dùng và các pháp luật điều chỉnh tài sản mã hóa…/.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, thị trường tài sản mã hoá hiện tại không gây rủi ro cho sự ổn định tài chính ở hầu hết các quốc gia đã có khuôn khổ pháp lý. Song, tài sản mã hoá được giao dịch tại thị trường mới nổi có thể làm suy yếu hiệu quả của chính sách tiền tệ, rủi ro chuyển hướng nguồn lực sang các tài sản ảo thay vì tập trung cho nền kinh tế thực. Do đó, để đảm bảo an ninh tiền tệ, ngăn chặn các hoạt động phi pháp như rửa tiền, các cơ quan quản lý các quốc gia cần chủ động nghiên cứu và xây dựng chính sách phù hợp, nhằm cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới công nghệ và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...