Đấu thầu vàng miếng SJC, kéo giá “trở về mặt đất”?

14:19 - 10/05/2024

Sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước đã quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng.

Theo ông Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, vàng cũng là ngoại hối. Do đó, cần phải tính toán bài toán khá chi tiết và kinh tế để một mặt đáp ứng nhu cầu vàng vật chất ở trong thị trường của người dân ở mức giá có thể chấp nhận được nhưng vẫn đảm bảo được cán cân thanh toán.

Sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước đã quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng. Phiêu đấu thầu vào 23/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đấu thầu thành công 34 lô tương đương 3.400 lượng vàng. Theo đó, giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.

Theo nhiều đánh giá, phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm này chưa đạt được mục tiêu như mong đợi. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết có 2 đơn vị bỏ thầu với khối lượng trúng là 3.400 lượng, tức chiếm 20% so với quy mô 16.800 lượng chào thầu của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.

Đấu thầu vàng miếng SJC, kéo giá “trở về mặt đất”?
 

Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại quyết định đấu thầu vàng trở lại? Lần đấu thầu này giống và khác gì so với lần đầu năm 11 năm trước? Vì sao phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm chưa đạt kết quả như mong đợi?

Phóng viên Thời báo VTV đã có cuộc phỏng vấn với ông Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia để làm rõ các vấn đề trên.

Phóng viên Thời báo VTV: Ông đánh giá thế nào về quyết định đấu thầu vàng lần này của Ngân hàng Nhà nước so với 11 năm trước đây?

Ông Trương Văn Phước: Năm 2012, Chính phủ có Nghị định 24 về việc quản lý thị trường vàng. Điểm mấu chốt và quan trọng nhất trong Nghị định 24 là thương hiệu vàng SJC khi đó được thị trường ưa chuộng chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch được xác lập làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Nghị định 24 xác lập việc độc quyền kinh doanh vàng miếng thương hiệu SJC thuộc về Ngân hàng Nhà nước. Doanh nghiệp SJC còn là đơn vị gia công theo các đơn đặt hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Thời gian qua, đặc biệt trong khoảng 6 tháng vừa qua thị trường vàng quốc tế đã có sự gia tăng mạnh về giá bởi nhiều lý do như chiến tranh, chính sách tiền tệ, lạm phát…. Nếu so giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế quy đổi có lúc chênh lệch quy đổi lên đến 20 triệu/lượng.

Đây là lý do vì sao Chính phủ liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có những chỉ đạo để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc sử dụng công cụ nào, giải pháp nào? Một điều dễ nhìn thấy thời gian vừa qua là câu chuyện sửa đổi lại Nghị định 24, tại đây có nhiều cách tiếp cận và một trong các cách tiếp cận là trả lại thương hiệu kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp, kể cả SJC, Bảo Tín Minh Châu… giúp tạo ra một thị trường cạnh tranh về sản xuất vàng miếng.

Ảnh: Ông Trương Văn Phước đánh giá trong bối cảnh chưa sửa đổi Nghị định 24 thì động thái đấu thầu vàng để tăng cung nhằm hạ nhiệt thị trường là bước đi hợp lý của Ngân hàng Nhà nước

Đây chỉ là ý tưởng trong quá trình tiếp cận chỉnh sửa Nghị định 24. Còn giải pháp mang tính chất thời sự là làm sao kéo giá vàng xuống. Việc tăng cung cho thị trường là một giải pháp có thể hiểu được và Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tổ chức đấu thầu vàng miếng.

Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều phiên đấu thầu vàng SJC. Có khoảng 76 phiên đấu thầu với một lượng lớn nhờ đó đã kéo thấp chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi. Và giờ chúng ta lại tiếp tục sử dụng giải pháp này.

Tôi cho rằng cách tiếp cận là phù hợp trong phối cảnh chưa chỉnh sửa Nghị định 24. Như bất kỳ một loại hàng hóa nào việc tăng cung trên thị trường với một cầu tương đối không thay đổi nhiều chắc chắn giá sẽ thấp xuống.

Phóng viên Thời báo VTV: So với lần đầu thầu cách đây 11 năm, điểm thuận lợi và khó khăn hơn trong quyết định đấu thầu vàng miến của Ngân hàng Nhà nước lần này?

Ông Trương Văn Phước: Cách đây 12 năm, Nghị định 24 ra đời trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đối diện với lạm phát cao, hoạt động huy động vàng, cho vay vàng trên bảng cân đối của ngân hàng thương mại xảy ra hết sức phổ biến. Ngoài ra là sự tồn tại của các sàn vàng ở đó người ta kinh doanh vàng không chỉ là vàng vật chất mà còn là vàng tài khoản.

Tuy nhiên sau 12 năm, bối cảnh kinh tế vĩ mô đang thuận lợi hơn rất nhiều. Đó là lạm phát được duy trì ở mức 3 - 4% trong khoảng thời gian dài. Hiện tượng vàng hóa (lượng vàng gửi trong tổng tiền gửi của ngân hàng thương mại là không còn. Bởi Ngân hàng Nhà nước đã không cho phép sự tồn tại của vàng trên bảng cân đối của các ngân hàng thương mại kể cả hoạt động huy động và cho vay. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi.

 

Đấu thầu vàng miếng SJC, kéo giá “trở về mặt đất”?

Đấu thầu vàng lần này trong điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn rất nhiều so với 11 năm trước

Song thời gian qua, giá vàng đang có mức tăng rất lớn trên thị trường quốc tế. Điều này xuất phát từ những xung đột quân sự thời gian qua. Đặc biệt là để đối phó với COVID-19, nhiều quốc gia để hỗ trợ, giải cứu các doanh nghiệp đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng khiến lạm phát tăng cao. Và hiện để đối phó với lạm phát, các quốc gia đã mạnh tay áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ.

Đà tăng của của giá vàng đang phục thuộc lớn vào thời điểm quyết định cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB)… Đáng tiếc là với sự dai dẳng của lạm phát đã khiến các ngân hàng trung ương chần chừ cắt giảm lãi suất. Điều này đã biến vàng trở thành một kênh đầu tư quan trọng.

Tuy nhiên có thể khẳng định điều kiện đấu thầu vàng lần này của Ngân hàng Nhà nước thuận lợi hơn rất nhiều so với 11 năm trước. Điều quan trọng là tính toán chi tiết cấu phần giữa lượng vàng đem đấu thầu và dữ trữ ngoại hối. Để một mặt đáp ứng cho nhu cầu vàng vật chất của người dân ở mức giá chấp nhận được. Đồng thời vẫn đảm bảo được cán cân thanh toán để trang trải nghĩa vụ của quốc gia về thanh toán quốc tế.

Phóng viên Thời báo VTV: Thực tế vẫn có những hoài nghi cho rằng lượng vàng đấu thầu là bao nhiêu có thể đủ tăng nguồn cung để phần nào giảm áp lực giá vàng trong nước? Lượng dự trữ hiện nay có đủ đáp ứng kỳ vọng đó hay không? Qua việc tăng cung qua đấu thầu cũng tính nên phương án nào khác để bình ổn thị trường vàng?

Ông Trương Văn Phước: Những băn khoăn này hết sức chính đáng, khi tiếp cận quan điểm đảm bảo cho người dân nắm giữ tài sản, cụ thể ở đây là vàng vật chất là nhu cầu chính đáng. Nhiệm vụ của Nhà nước nói chung, trong đó Ngân hàng Nhà nước nói riêng là làm sao có thể để người dân tiếp cận với loại tài sản đó với một mức giá chấp nhận được. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn chính đáng.

Nhưng ở góc độ khác, chúng ta còn phải tính toán vấn đề vô cùng quan trọng khác là cán cân thanh toán tổng thể của đất nước. Nền kinh tế Việt Nam hiện đã hội nhập sâu với kinh tế thế giới, nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao, cùng với đó là nghĩa vụ trả nợ… Đây là bài toán đối với ngân hàng trung ương các nước chứ không chỉ riêng của Ngân hàng Nhà nước.

Ảnh: Ông Trương Văn Phước nhấn mạnh vàng cũng là ngoại hối. Do đó, cần phải tính toán bài toán khá chi tiết và kinh tế để một mặt đáp ứng nhu cầu vàng vật chất ở trong thị trường của người dân ở mức giá có thể chấp nhận được nhưng vẫn đảm bảo được cán cân thanh toán

Tôi thấy cách tiếp cận tại nhiều nước là họ xem vàng vừa là tài sản thông thường, vừa là sản phẩm tài chính. Thời gian qua, nhiều ngân hàng trung ương đã ồ ạt mua vàng để đưa vàng vào trong dự trữ ngoại hối. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể tính đến cách tiếp cận xem vàng vừa xem là hàng hóa thông thường được người dân nắm giữ. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước xem xét tính toán để có một lượng dự trữ vàng theo cách tiếp cận của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới.

Đây là bài toán cần tính toán giữa lợi ích của người dân và một bên lợi ích của nhà nước. Đảm bảo sự vững chắc, ổn định và khả năng toán của một quốc gia thông qua dự trữ ngoại hối nhà nước.

Phóng viên Thời báo VTV: Thực tế cho thấy việc đấu thầu vàng các phiên vừa qua chưa kéo được giá trong nước xuống so với giá quốc tế. Theo ông lý do vì sao và ông có đề xuất gì?

Khác với việc đấu thầu vàng năm 2013 khi các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp vàng đều ở trạng thái thiếu vàng do không được tiếp tục huy động vàng nên cần phải mua từ Ngân hàng Nhà nước để thanh toán chi trả cho dân. Khi đó giá đấu thầu vàng cao bao nhiêu họ cũng đều mua cả. Song hiện nay không còn trình trạng đó nữa.

Do đó, việc đấu thầu vàng theo giá với mức gia khởi điểm quá sát giá thị trường đưa đến e ngại cho các tổ chức tham gia đấu thầu vì có rủi ro sẽ bị lỗ. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét khía cạnh này.

Tôi đồng tình với ý kiến của đại diện Hiệp hội kinh doanh vàng rằng: “Trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn đấu thầu như một đơn vị kinh doanh thay vì vai trò cơ quan quản lý can thiệp thị trường, thì mục tiêu kéo gần với thế giới còn xa vời”.

Đấu thầu vàng miếng SJC, kéo giá “trở về mặt đất”?

Theo ông Trương Văn Phước, Ngân hàng Nhà nước có thể ấn định giá bán vàng SJC ra thị trường đối với các tổ chức kinh doanh vàng được trúng thầu

Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu bổ sung áp dụng phương thức đấu thầu vàng theo khối lượng. Tức là Ngân hàng Nhà nước ấn định giá bán từ đầu và phân phối trong hạn mức vàng bán ra mỗi phiên phù hợp với khối lượng của các tổ chức đăng ký mua vàng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có thể ấn định giá bán vàng SJC ra thị trường đối với các tổ chức kinh doanh vàng được trúng thầu. Các tổ chức trúng thầu này về mặt bản chất như là một đơn vị nhận ký gửi hàng từ Ngân hàng Nhà nước bán ra thị trường và được hưởng một mức hoa hồng vài ba trăm nghìn đồng/một lượng vàng.

Lấy ví dụ giá thị trường là 83 triệu đồng/lượng, giá quốc tế quy đổi là 71 triệu đồng/lượng, tức chênh lệch là 12 triệu đồng. Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu theo khối lượng với giá 80,8 triệu đồng/lượng. Các tổ chức trúng thầu bán ra thị trường giá 81 triệu đồng/lượng, tức là họ được hưởng phí hoa hồng 200.000 đồng/lượng vàng.

Nếu giá vàng quốc tế không biến động thì phiên sau Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ra với giá 79,8 triệu đồng/lượng, tức chênh lệch từ 12 triệu/lượng xuống còn 11 triệu/lượng. Kéo dài trong một tuần phương thức này thì chênh lệch giá chỉ còn vài ba triệu đồng.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Trái Tim Bất Hạnh - SCTV14

Cuộc Chiến Hôn Nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...