Trong số các dự án dự kiến trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể TP.HCM, có những dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính rất lớn như khu đất 14,8ha tại TP.Thủ Đức của Công ty Cổ phần Bất động sản Nguyên Phương với số tiền lên đến 3.500 tỉ đồng (ước lượng theo chứng thư thẩm định giá), dự án của Công ty T.N.T Trung Thuỷ ở đường Nguyễn Trãi (quận 1) có nghĩa vụ tài chính dự kiến gần 3.300 tỉ đồng. Hay dự án khu dân cư cao tầng Diamond Riverside ở quận Bình Tân của Công ty Năm Bảy Bảy có số tiền sử dụng đất dự kiến hơn 729 tỉ đồng, dự án của Công ty Hoàng Anh ở quận 7 có nghĩa vụ tài chính phải đóng là 623 tỉ đồng, dự án của Công ty Phú Sơn Thuận ở quận 10 có số tiền sử dụng đất dự kiến là 281 tỉ đồng...
Những năm qua hàng trăm dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM không thể đóng tiền sử dụng đất để tiếp tục triển khai việc cấp phép xây dựng hay làm sổ hồng cho người mua nhà. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và người dân. Ngay cả thành phố cũng chịu nhiều tổn thất khi nguồn thu ngân sách từ đất đai của thành phố bị sụt giảm thê thảm.
Mới đây Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, cho biết sau nhiều năm đứng đầu về thu ngân sách thì bước sang năm 2022, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và tình hình chung, thu ngân sách của TP.HCM lần đầu tiên đã giảm so với Hà Nội. Đến nay, theo dự toán giao thì thu ngân sách giữa TP.HCM và Hà Nội chênh lệch khoảng 30.000 tỉ đồng. Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến nguồn thu của TP.HCM giảm là liên quan đến lĩnh vực đất đai và tình hình phục hồi sau dịch. Trong đó tiền thu sử dụng đất của Hà Nội trong 9 tháng qua đạt gần 33.000 tỉ đồng, còn TP.HCM chỉ khoảng 5.900 tỉ đồng. Mức chênh lệch giữa hai địa phương khoảng 27.000 tỉ đồng. Ngoài ra, khi tình hình giao dịch đất đai không được triển khai khiến các khoản thuế từ giao dịch, chuyển nhượng, chuyển quyền, thu nhập và kể cả thuế VAT cũng bị ảnh hưởng khiến việc thu ngân sách giữa TP.HCM với Hà Nội có sự chênh lệch.