(Tổ Quốc) – Nếu như các năm trước, giả mạc xuất hiện chủ yếu ở trẻ em thì năm nay người lớn bị rất nhiều, đó là lý do vì sao bệnh đau mắt đỏ phức tạp hơn.
Sau 2 tuần tự nhỏ thuốc điều trị đau mắt đỏ tại nhà, Hoàng Lan (30 tuổi, Hà Nội) mới đến bệnh viện kiểm tra vì mắt vẫn đỏ nhiều, kèm theo ghèn mắt. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đau mắt đỏ có giả mạc, chỉ định bóc nhưng Lan phân vân sợ ảnh hưởng đến thị lực.
Bác sĩ chuyên khoa chia sẻ lý do khiến bệnh đau mắt đỏ phức tạp
PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu (Phó Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) cho biết, năm nay, tình trạng bệnh nhân bị đau mắt đỏ có giả mạc nhiều hơn hẳn mọi năm. Nếu như các năm trước, giả mạc xuất hiện chủ yếu ở trẻ em thì năm nay người lớn bị rất nhiều, đó là lý do vì sao bệnh đau mắt đỏ phức tạp hơn, có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Người bệnh bị đau mắt đỏ khi phản ứng viêm rất mạnh, mi mắt sẽ sưng nề và xuất tiết viêm trên bề mặt kết mạc tạo thành giả mạc (là một màng trắng bám vào kết mạc).
Đau mắt đỏ có giả mạc khiến mắt của người bệnh sưng rất nặng và kéo dài do giả mạc bám vào mặt sau mi mắt, làm cho thuốc tra không ngấm vào được, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn nếu có giả mạc mà không bóc và điều trị tích cực, có thể gây trợt giác mạc, loét giác mạc và để lại sẹo trên kết mạc. Khi giả mạc bị xơ hóa, co rút lại làm cho bề mặt kết mạc mi dúm dó, gây cạn cùng đồ làm mắt khó liếc nhìn về các phía, ảnh hưởng đến thị lực.
Không chỉ riêng các bệnh viêm kết mạc do virus, vi khuẩn, tình trạng giả mạc còn gặp nhiều trong các bệnh về mắt như bỏng mắt, hội chứng Stevens Johnson (dị ứng thuốc)…
Cũng theo PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu, bóc lớp màng giả mạc là cách hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ có giả mạc tối ưu nhất hiện nay. Sau khi lớp giả mạc được bóc ra, thuốc nhỏ mắt sẽ thấm sâu vào bên trong, giúp phát huy tác dụng tốt hơn khiến bệnh nhanh khỏi hơn.
Vì vậy, người bệnh chỉ được bóc giả mạc khi có chỉ định của bác sĩ và phải thực hiện tại cơ sở y tế có đủ điều kiện trang thiết bị vô khuẩn và có nhân viên y tế chuyên khoa mắt được đào tạo. Kết hợp với điều trị bằng thuốc kháng sinh tra tại mắt để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn và thuốc chống viêm để giảm phản ứng viêm. Trường hợp không xuất hiện phản ứng viêm toàn thân không cần sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm đường tiêm, uống.
Sau khi bóc giả mạc, người bệnh cũng phải đặc biệt lưu ý 2 điều sau:
1. Tái khám sau 2-3 ngày để kiểm tra mức độ tái tạo của giả mạc và các biến chứng trên giác mạc nếu có.
2. Tuỳ mức độ viêm mà giả mạc sẽ tái tạo lại, thông thường đau mắt đỏ do virus có giả mạc phải bóc 2-3 lần (sau mỗi 2-3 ngày) mới ổn định.
Khi bị đau mắt đỏ có giả mạc, những biểu hiện ở mắt cùng cảm giác khó chịu do bệnh gây ra khiến không ít người bệnh mệt mỏi, cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, đau mắt đỏ có giả mạc nếu được điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ có thể khỏi sau khoảng 10 ngày.
Do đó, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan, không được tự điều trị đau mắt đỏ tại nhà nhất là trong diễn biến phức tạp của bệnh năm nay, không được tự nhỏ thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ, tránh bệnh diễn tiến nặng xuất hiện giả mạc, viêm loét giác mạc, dẫn tới việc giảm hoặc mất thị lực.
Vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu mắc bệnh đau mắt đỏ cần chủ động đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám sớm, điều trị kịp thời theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Nguồn: toquoc.vn
Đang gửi...