Lý do chọn các cơ sở bán bánh mì để giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm vì trong những năm gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến bánh mì với số người mắc lớn đã xảy ra ở Quảng Nam, Đà Lạt (Lâm Đồng), gần đây là bánh mì ở H.Long Khánh, Đồng Nai với hơn 500 người mắc. Nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm từ bánh mì trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay là rất cao.
Đoàn giám sát mối nguy đã lấy 206 mẫu thực phẩm (101 mẫu xét nghiệm tại phòng kiểm nghiệm; 105 mẫu xét nghiệm nhanh).
Kết quả cho thấy, đối với 101 mẫu xét nghiệm tại labo (phòng kiểm nghiệm) có 94/100 mẫu đạt, 6/100 mẫu không đạt (dương tính với Salmonella) chiếm tỷ lệ 6% (cụ thể, có 2 mẫu xốt trứng, 1 mẫu thịt nguội (Jambon), 3 mẫu rau sống). Ngoài ra có 1 mẫu chả bò có hàm lượng borat/boric (hàn the) 0,41%KL.
Đối với 105 mẫu xét nghiệm nhanh có 59/60 mẫu chả lụa, chả quế âm tính với hàn the; 1 mẫu chả bò có kết quả test nhanh dương tính hàn the; 24/24 mẫu thịt nguội (Jambon), xúc xích, lạp xưởng âm tính Nitrate; kết quả xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với 21 mẫu rau sống (xà lách, dưa leo, hành, ngò, rau thơm) có 10/21 mẫu âm tính và 11/21 mẫu dương tính.
Sở Y tế Khánh Hòa khẳng định, test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau chỉ có giá trị định tính phát hiện có thuốc trừ sâu trong rau, mang tính cảnh báo mối nguy, chưa có giá trị khoa học để khẳng định rằng mẫu rau đó có vi phạm quy định về mức giới hạn an toàn đối với chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Bộ NN-PTNT, mà phải tiếp tục gửi mẫu kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được công nhận.
Trường hợp, nếu kết quả kiểm nghiệm tại labo cho thấy hàm lượng thuốc trừ sâu đối với mẫu rau vượt quá giới hạn cho phép theo Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30.12.2016 của Bộ Y tế về quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm hoặc thuộc chất cấm được quy định tại Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24.10.2023 của Bộ NN-PTNT về ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại việt nam và danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, thì mới có cơ sở pháp lý để khẳng định mẫu rau không an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Sau khi có kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm giám sát mối nguy ô nhiễm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa ban hành công văn về việc giải pháp xử lý kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm không đạt năm 2024. Theo đó đã yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu phân tích, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ, quả; có giải pháp kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm nông sản trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản và lưu thông trên thị trường.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm, với 509 người mắc, 1 trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân. Các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra chủ yếu trên địa bàn TP.Nha Trang và liên quan đến nhóm thức ăn đường phố.