Tan làm khi chiều muộn, tôi chạy tuốt về chợ quê vùng ngoại ô, vừa kịp còn lại vài chị bán cá cần mẫn ngồi nạo từng miếng thịt cá thác lác tươi xanh. Liếc qua chiếc mủng bên cạnh có vài trái khổ qua quê (gai nhỏ, xanh đậm) bị lãng quên nơi góc chợ… Thế là bữa cơm cuối ngày dễ dàng có tô canh khổ qua cá thác lác thơm nồng vị tiêu và ớt xanh xứ Quảng.
Khổ qua (còn gọi là mướp đắng) là loại quả nhiệt đới và cận nhiệt đới, thuộc loại đắng nhất trong các loại rau củ quả. Nhưng vị đắng của khổ qua thường được ông bà ta ví với "thuốc đắng đã tật", để thấy giá trị dược tính trong loại quả có tên hơi "khổ".
Trong đông y, khổ qua có tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Dược tính của khổ qua còn góp phần hỗ trợ kiểm soát nhiều loại bệnh. Bát canh khổ qua nóng với một lượng vừa đủ thường được ăn để giải cảm, an thần, dễ ngủ, tăng cường đề kháng vì có hàm lượng vitamin C rất cao. Thói quen ăn khổ qua còn góp phần giúp kiểm soát cân nặng, giảm mỡ máu, kiểm soát tiểu đường, mát gan thải độc, giảm sốt, ổn định huyết áp và ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch…
Vì dược tính của khổ qua nên mẹ tôi đã "dành cả thanh xuân" để luyện cho anh em chúng tôi ăn món canh khổ qua, theo đúng khẩu hiệu cứ nhắm mắt và nhai nuốt kiểu "nín thở qua sông". Đến khi chúng tôi có thể ăn được món khổ qua, tôi mới phát hiện mình ghiền cái vị đăng đắng của nó. Từ đó, nỗi sợ khi thấy trái khổ qua trong góc bếp ngày nhỏ đã biến thành nỗi nhớ da diết tô canh khổ qua nóng thơm nồng của mẹ khi lớn lên đi học xa nhà.
Thông thường, khổ qua được xắt lát mỏng để nấu canh, nhưng mẹ tôi thích cầu kỳ mỹ vị nên thường cắt khúc và nhồi thịt. Trước khi nhồi vào khúc khổ qua thì thịt heo đã được băm nhuyễn và ướp thấm vị.
Nhưng với tôi, món thuộc hàng kinh điển nhất vẫn là canh khổ qua nhồi cá thác lác. Cá thác lác sau khi rửa sạch được người bán bào mỏng từng lớp thịt để tránh vụn xương. Khi mua về chỉ cần ướp chút muối tiêu và nước mắm, sau đó nhồi bằng tay thật nhuyễn rồi nhét vào khúc khổ qua. Khi nồi nước trên bếp sôi lăn tăn thì đập dập trái ớt xanh xứ Quảng, vài tép hành củ thả vào.
Khi nước sôi trở lại, cho khổ qua đã nhồi cá thác lác vào, để sôi nhẹ chừng 10 phút cho khổ qua chín. Tùy khẩu vị mà canh lửa lâu hay mau, để miếng khổ qua vừa chín giòn hay chín mềm. Sau đó, nêm vào nồi canh khổ qua cá thác lác vài hạt muối sống và ít tiêu cho vừa vị là đã có thể múc ra tô và thưởng thức.
Ngoài vị đắng đặc trưng thì khổ qua nhồi cá thác lác còn có vị ngọt hậu không lẫn vào đâu được. Thịt cá thác lác còn lành tính, với hàm lượng đạm và omega-3 cao, kết hợp với khổ qua đúng là món ăn vừa ngon, lại vừa siêu dinh dưỡng. Đã vậy, đây còn là món ăn rất phù hợp với chế độ ăn lành mạnh, nhiều đạm, xơ, vitamin và khoáng chất, ít gia vị và dầu mỡ…