Về lộ trình để thực hiện vùng phát thải thấp, dự thảo thể hiện trong giai đoạn 2025 - 2030, thành phố sẽ lựa chọn một khu vực ở Q.Hoàn Kiếm để thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả và đề xuất nhân rộng mô hình nhân rộng ở các địa phương khác. Q.Hoàn Kiếm dự kiến áp dụng vùng phát thải thấp ở khu vực hồ Gươm, vùng phụ cận và phố cổ với tổng diện tích hơn 145 ha.
Tại vùng LEZ sẽ áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm, trong đó cấm lưu thông xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2. Cạnh đó, cơ quan chức năng đặt mục tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại khu vực phát thải thấp đạt 45 - 50%, 100 xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đối với những cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại vùng LEZ sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông ở vùng này.
Ở giai đoạn tiếp theo (từ năm 2031 đến 2035), Hà Nội khuyến khích các quận, huyện xác lập vùng LEZ và từ năm 2036 trở đi bắt buộc các vùng ô nhiễm không khí phải đầu tư nguồn lực, đảm bảo điều kiện để thực hiện vùng LEZ.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG - Nhật Bản, cho rằng muốn hạn chế nguồn phát thải gây ô nhiễm vào không khí thì cơ quan chức năng cần hiểu chính xác rằng không phải nguồn ô nhiễm không khí chỉ xuất phát từ giao thông.
Theo ông Bình ước tính, chỉ khoảng 40% tác nhân ô nhiễm không khí xuất phát từ giao thông, 40% khác đến từ các hoạt động xây dựng và 20% từ hoạt động sinh hoạt của người dân (đun bếp củi, đun bếp than tổ ong, đốt rơm rạ tạo khói…).
Trong khi đó, không khí thì lưu chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, không có "bức tường nào rào chắn". Do đó, nếu hạn chế nguồn gây ô nhiễm tạo ra khói bụi ở một khu vực nhất định thì khói bụi ô nhiễm hơn vẫn có khả năng từ chỗ khác lan sang, làm hạn chế hiệu quả khi áp dụng vùng phát thải thấp.
Ông Bình đồng tình với việc dùng phương tiện vận hành bằng năng lượng điện thay thế phương tiện vận hành bằng xăng, dầu tại các đô thị lớn, mật độ phương tiện cao sẽ giúp hạn chế khí thải phát ra. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần tính toán khả năng đáp ứng nguồn năng lượng điện cho nhu cầu sạc cho hàng vạn phương tiện mỗi đêm nếu áp dụng nghị định này.
"Mặt khác, với người người đã lỡ mua xe ô tô, xe máy chạy bằng xăng nhưng sau đó lại không cho phương tiện chạy xăng vận hành thì người dân liệu có chấp nhận không?. Theo hiểu biết của tôi thì chưa có nước nào trên thế giới áp dụng khái niệm vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện gây ô nhiễm", TS Bình chia sẻ thêm.
Tính đến hết tháng 4, Hà Nội đang có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó trên 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% xe đã sử dụng trên 10 năm.
Theo Sở TN-MT Hà Nội, các phương tiện đã lưu hành nhiều năm mà không được kiểm soát về khí thải sẽ làm gia tăng mức phát thải thành phần gây ô nhiễm vào không khí. Mục tiêu chính của xây dựng vùng LEZ là hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí.
Dự kiến, dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn Hà Nội được xem xét thông qua tại kỳ họp HĐND TP.Hà Nội diễn ra vào tháng 12.