Tạo động lực, tăng tập trung
Trong một nghiên cứu về kết nối xã hội và động lực năm 2014, giáo sư tâm lý học Gregory M.Walton (ĐH Stanford, Mỹ) cùng cộng sự đã chỉ ra rằng động lực nội tại của mỗi người sẽ tăng lên khi làm việc cùng người khác, dù họ có thể làm các việc riêng lẻ.
Trên cơ sở ấy, Nguyễn Trọng Nhân (cựu sinh viên Trường ĐH Văn Lang) đã học trực tuyến cùng người lạ qua ứng dụng Zoom thay vì ngồi một mình trước máy tính.
Tương tự, Phạm Thùy Dương (sinh viên chuyên ngành quản trị hệ thống thông tin, Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng) thường tìm đến hình thức này mỗi khi thiếu tập trung.
“Học cùng người lạ sẽ không có tình trạng ‘học thì ít, trò chuyện thì nhiều’ như khi học cùng bạn thân. Tôi cũng không cần nghe đánh giá của người khác về cách học của mình”, Dương bày tỏ.
Ngoài sinh viên, những học sinh thức khuya học bài như Đỗ Ngọc Bảo Trâm (lớp 10, Trường THPT Lê Hoàn, Thanh Hóa) cũng thích thú khi học cùng người lạ. “Thức khuya cộng với học lâu dễ khiến em nản lòng. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn mọi người trong Google Meet chăm chỉ làm bài, em có thể lấy lại tinh thần”, Trâm bày tỏ.
Không gian học tập phi chính thức
Bên cạnh các phòng học mang tính “tự phát” qua Google Meet, Zoom…, một số website học cùng người lạ được tổ chức bài bản là Study Stream, Study Together… Những trang này thường phân chia phòng học theo trình độ: học sinh-sinh viên hay chuyên gia, thậm chí có đội ngũ hỗ trợ giải đáp thắc mắc ở nhiều lĩnh vực.
Từng trải nghiệm những trang web trên, Lê Thu Trang (du học thạc sĩ ngành giáo dục tại ĐH Bristol, Anh) thấy “đỡ cô đơn” khi được kết nối với mọi người qua camera. “Điều đó cho thấy có một cộng đồng đang làm việc cùng mình”, Trang nói.
Ngoài đem lại động lực và sự kết nối, học trực tuyến cùng người lạ đã “thoát ly” khỏi không gian học tập chính thức là trường học. Từ đây, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên nhận định trường học không chỉ là ngôi trường dạng vật chất được xây bằng gạch và ngói mà còn là không gian kết nối trên mạng để việc học diễn ra mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh mặt tích cực, học trực tuyến cùng người lạ đôi khi đem lại trải nghiệm không mong muốn. Chẳng hạn, trường hợp của Nguyễn Như Thịnh là có lúc bị “nghẽn”, không vào phòng học được vì số lượng thành viên đông. Hay Nguyễn Trọng Nhân từng gặp phải những thành viên trình chiếu video, hình ảnh với mục đích gây rối.
Để hạn chế tình trạng gây rối, quản trị viên của các phòng học trực tuyến phải tắt hết chức năng micro, hộp thư, chia sẻ màn hình và chỉ để lại chức năng mở camera.
Quan trọng là sự chủ động
Để việc học trực tuyến nói chung và học trực tuyến cùng người lạ nói riêng đạt hiệu quả, chuyên gia Bùi Khánh Nguyên cho biết học sinh-sinh viên cần chủ động và tự chịu trách nhiệm về việc học của mình.
Bên cạnh đó, ông Nguyên nhận thấy một số kỹ năng cần thiết khác gồm kỹ năng quản lý thời gian, lập kế hoạch học tập, đặt mục tiêu, kỷ luật với bản thân…
Với người mới tiếp cận, Lê Thu Trang, du học sinh bậc thạc sĩ giáo dục, ĐH Bristol, Anh, gợi ý tìm hiểu kỹ trang web/ứng dụng, bao gồm điều khoản bảo mật; nắm rõ quy định lớp học; tận dụng sự kiện do trang web/ứng dụng tổ chức để giao lưu-học hỏi…
Còn nếu muốn học trên trang web với quy mô toàn cầu, Trang khuyến khích người học biết thêm ngoại ngữ để giao tiếp khi cần.