Tại Hội nghị sơ kết năm học 2023-2024 của giáo dục tiểu học TP.HCM hôm 31.1, cán bộ quản lý các trường học, phòng GD-ĐT quận, huyện, TP.Thủ Đức chia sẻ những vấn đề khó khăn. Nổi cộm trong đó vẫn là câu chuyện thiếu giáo viên, tuyển không được giáo viên tin học, mỹ thuật, âm nhạc…
Ông Phan Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ, Q.4, cho biết không tuyển được giáo viên tin học nên nhà trường đang phải hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên tin học dạy cấp THCS. Những đợt tập huấn về sách mới của Chương trình GDPT 2018 cũng phải mời giáo viên thỉnh giảng này đi tập huấn để đảm bảo dạy chất lượng giảng dạy. Trường này cũng bị thiếu giáo viên mỹ thuật, âm nhạc và phương án là mời giáo viên ở các trường khác về thỉnh giảng.
Trường tiểu học Nguyễn Trãi, Q.12 cũng gặp tình trạng tuyển không được giáo viên tin học. Để có đủ giáo viên dạy môn này, nhà trường phân công giáo viên giáo dục thể chất hoặc giáo viên nhiều môn kiêm nhiệm.
Cô Trần Thị Hồng Ân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trãi, cho biết khi phân công giáo viên nhiều môn khác hay giáo viên giáo dục thể chất kiêm nhiệm dạy tin học, các thầy cô cũng được đi tập huấn. Tuy nhiên về lâu dài, trường cần giáo viên được đào tạo bài bản.
Bên cạnh đó, cô Hồng Ân bày tỏ mong muốn có thêm những chính sách thu hút, để dễ dàng tuyển và giữ chân được giáo viên dạy các môn này.
Giúp giáo viên nhiều môn có thể dạy đơn môn
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết hiện tại quận không thiếu giáo viên nhiều môn nhưng thiếu giáo viên bộ môn như tin học, mỹ thuật, âm nhạc. Giải pháp tình thế của Q.Gò Vấp là lấy giáo viên nhiều môn sang dạy để "lấp khoảng trống".
"Trong tình trạng thiếu giáo viên đơn môn, như giáo viên âm nhạc, mỹ thuật… nhất là khi Chương trình GDPT 2018 học sinh ở bậc THCS, THPT cũng học các môn này thì chắc chắn giáo viên sẽ có thêm nhiều lựa chọn hơn. Các bạn ấy có thể muốn sang dạy bậc THCS, THPT, cho nên tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn. Do đó, tôi đề xuất giải pháp đưa giáo viên dạy nhiều môn được đi học, giúp họ có thể dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật… Chúng ta có thể liên kết với Trường ĐH Sài Gòn, đảm bảo làm sao các giáo viên nhiều môn có thể đủ điều kiện dạy các môn nghệ thuật bậc tiểu học", ông Trịnh Vĩnh Thanh nêu ý kiến.
Tại hội nghị sơ kết năm học 2023-2024, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết, không chỉ thiếu giáo viên, một số trường còn thiếu cán bộ quản lý do lớp học tăng, quy trình bổ nhiệm kéo dài.
Thu hút, giữ chân giáo viên giỏi
Về bài toán thiếu giáo viên, tuyển mà vẫn không đủ giáo viên, nhiều ý kiến tại hội nghị nêu trăn trở làm sao cần tăng cường những chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên tiểu học để mọi người ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với nghề, nhất là giáo viên từ các tỉnh thành khác làm việc tại TP.HCM.
Ông Hà Thanh Hải, Phó phòng GD-ĐT Q.7, cũng nêu tình trạng khó tuyển giáo viên tiếng Anh tiểu học, tuyển được rồi nhưng giữ chân được người giỏi cũng là bài toán khó. Do đó, cần làm sao để có thêm những chính sách thu hút, giữ chân giáo viên tiếng Anh tiểu học, đặc biệt giáo viên dạy giỏi.
Thời gian qua, các phòng GD-ĐT quận, huyện, TP.Thủ Đức (TP.HCM) tiếp tục tuyển dụng viên chức trong ngành giáo dục cho những trường còn thiếu. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết phương án của các trường là chủ động mời giáo viên thỉnh giảng, đảm bảo đủ chất lượng, triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018; thực hiện các lớp học số để đảm bảo các học sinh đều được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng…