Trong khi đó 136 viên chức và người lao động của Trường ĐH Quảng Bình chưa được nhận lương từ 2 tháng đến 7,5 tháng. Ngoài nợ lương, Trường ĐH Quảng Bình còn nợ khoảng 2 tỉ tiền nộp bảo hiểm xã hội của cán bộ, giảng viên.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Quảng Bình, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc nợ lương đến từ công tác tuyển sinh. Số lượng giảng viên, người lao động lớn như hiện nay được nhà trường tuyển dụng vào thời điểm trường vẫn tuyển được lượng sinh viên (SV) lớn (có thời điểm 10.000 người). Nhưng hiện nay, trường chỉ có hơn 1.000 SV quá nửa là SV sư phạm… nên nguồn thu sụt giảm.
Một giảng viên công tác tại Trường CĐ Y tế Quảng Nam cho biết hiện nay nhu cầu trường nào cũng tuyển sinh đông nhưng lượng học sinh vào CĐ, ĐH lại ít dần. Mặt khác, các em chắc chắn sẽ chọn vào các trường ĐH ở những thành phố lớn thay vì chọn những trường CĐ ở một tỉnh lẻ như Quảng Nam. Những năm qua, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đều tuyển sinh không đạt như chỉ tiêu ban đầu.
Ông Huỳnh Tấn Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Quảng Nam, cho biết nguyên nhân khiến nhà trường nợ lương kéo dài là vì từ năm 2017 công tác tuyển sinh gặp khó khăn, không đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Theo ông Tuấn, lý do khiến việc tuyển sinh của nhà trường gặp khó là hiện nay đầu vào ĐH dễ hơn nên thay vì chọn các trường CĐ thì các em sẽ chọn các trường ĐH ở thành phố lớn để theo học. Ngoài ra, do hiệu ứng những năm trước khi đào tạo số lượng lớn nhưng ra trường lại không có việc làm khiến các em không mặn mà nữa. Ngoài ra, thêm một nguyên nhân khác là hiện nay toàn nhà trường có khoảng 500 SV theo học, nhưng có đến 5/6 ngành được đưa vào diện độc hại nguy hiểm nên được giảm 70% học phí.