Không phát sinh các nguồn thu bất hợp lý
Đề cập đến công tác thực hiện các khoản thu trong trường học vốn là vấn đề đang được xã hội quan tâm, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GD-ĐT, nhấn mạnh, các trường nghiên cứu thật kỹ Nghị quyết 04, phải đảm bảo thu đúng quy định danh mục 26 khoản thu, không được đặt tên hoặc bổ sung các khoản thu khác. Phải có dự toán và thu đúng quy định, thu đủ, chi đủ, không phát sinh khoản dư, không phát sinh các nguồn thu bất hợp lý.
Ông Huy nêu cụ thể, hiệu trưởng các trường THPT phải chịu trách nhiệm trước các khoản thu trong trường học. Hiện nay, một số giáo viên chủ nhiệm hay đưa ra các khoản thu quỹ lớp, hiệu trưởng phải nắm thông tin và thực hiện đúng chỉ đạo của Giám đốc Sở GD-ĐT về việc không có khái niệm quỹ trường, quỹ lớp.
Liên quan đến việc thực hiện thu chi trong nhà trường, tại buổi giao ban, một số hiệu trưởng trường THPT tâm tư, vấn đề thu chi đầu năm đang gây áp lực nặng nề cho các hiệu trưởng, trong đó áp lực cao nhất là dư luận xã hội. Điều này khiến một số hiệu trưởng có những hoang mang nhất định, không còn tự tin khi thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Các hiệu trưởng cũng đề nghị Sở GD-ĐT tập huấn cho kế toán để họ tham mưu hiệu trưởng chi các khoản cho đúng quy định. “Đơn vị nào sai, làm gì chưa đúng, Sở GD-ĐT chấn chỉnh để các hiệu trưởng còn có thể tự tin làm việc”, ông Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10), chia sẻ.
Về công tác tổ chức cán bộ, ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT, lưu ý, UBND TP.HCM đã có văn bản chấn chỉnh việc cán bộ, công chức đi công tác nước ngoài nên các trường nghiên cứu kỹ quy định để tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn giáo viên, nhân viên đi nước ngoài phải có báo cáo, phải có hồ sơ, đặc biệt đối tượng đi nước ngoài, đưa học sinh tham gia các cuộc thi. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về việc cử giáo viên, học sinh khi tham gia các hoạt động trên.
Kiểm tra đánh giá bám theo nội dung, mục tiêu của chương trình
Cũng trong buổi họp giao ban về các hoạt động đầu năm học, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, đề nghị các trường bám theo nội dung, mục tiêu của chương trình GDPT 2018, trong đó có nhiều đổi mới về kiểm tra đánh giá đầu ra. Chuyển đổi số để thay đổi hướng dẫn dạy học theo kiểu thuộc lòng, hướng dẫn học sinh tự học và những vấn đề khó, mới tập trung vào giờ dạy trực tiếp. Đánh giá phẩm chất, năng lực đòi hỏi theo quá trình và thực hiện từ cơ sở, kiểm soát quá trình, tránh tình trạng học sinh quá tải.
Cũng theo ông Tân, các trường cần thay đổi quan điểm khi xây dựng đề thi, đề kiểm tra theo nội dung yêu cầu cần đạt của chương trình, chứ không lấy đề kiểm tra của năm trước rồi điều chỉnh là không phù hợp.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban hiệu trưởng các trường THPT, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT đề nghị các trường tiếp tục triển khai những kế hoạch trên tinh thần luôn luôn thực hiện công tác rà soát, để có sự điều chỉnh phù hợp. Trong việc triển khai, nhà trường cần chú trọng các nội dung chuyên môn, trên tinh thần thực hiện công tác đổi mới kiểm tra đánh giá, tận dụng chuyển đổi số giúp thực hiện đầy đủ môn học, nhưng giảm nhẹ cho học sinh.
Ông Quốc lưu ý, bài kiểm tra đánh giá giữa kỳ sắp tới phải gắn kiến thức với thực tiễn. Đề kiểm tra theo chương trình mới phải bám sát định hướng mục tiêu đạt được của bài học để có câu hỏi phù hợp. Theo ông Quốc hiện vẫn còn một số giáo viên giữ nguyên mức độ yêu cầu chương trình cũ áp dụng cho việc đổi mới.
Riêng về công tác tài chính trong nhà trường, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay Sở đã tiến hành tập huấn cho kế toán các trường. Năm nay, công tác tập huấn về thu chi sẽ mời cả hiệu trưởng chứ không chỉ kế toán nhà trường. HĐND TP.HCM đã có nghị quyết về thu chi với các mức thu cụ thể cho từng khoản thu. Vì vậy, nhà trường cần thực hiện đúng quy định, nếu thực hiện sai sẽ bị xử lý.