Học sinh và giáo viên được yêu thương
Tại hội nghị công bố Bộ tiêu chí và kế hoạch thực hiện trường học hạnh phúc trong các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, bà Cao Thị Thiên Phúc, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Bộ tiêu chí với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm: Con người (6 tiêu chí), dạy học và hoạt động giáo dục (8 tiêu chí) và môi trường (4 tiêu chí).
Nhìn chung, tất cả tiêu chí trường học hạnh phúc đều hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách và lối sống văn hóa cho cán bộ, giáo viên và học sinh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Như vậy, sự ra đời của bộ tiêu chí là “bước đệm” nhằm xây dựng mô hình trường học hạnh phúc; trong đó, môi trường giáo dục phải an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh và cán bộ, giáo viên được yêu thương, tôn trọng, sẻ chia và thấu hiểu.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hạnh phúc là cả một quá trình để cảm nhận nên các trường cần dựa vào khảo sát cảm xúc, thái độ của người dạy và người học trong một thời gian dài. Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo nhà trường sẽ tự đánh giá theo 3 mức độ: cần cải thiện, khá và tốt đối với từng tiêu chí. Những tiêu chí đã thực hiện tốt sẽ được duy trì, những tiêu chí chưa làm tốt cần có phương hướng cụ thể để cải thiện chất lượng.
“Làm thực chất, không hành chính hóa”
Để xây dựng trường học hạnh phúc một cách bền vững, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế từng trường và không mang tính hình thức hay thành tích. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay Sở sẽ không tổ chức kiểm tra quá trình đạt được các tiêu chí, mà mỗi trường “tự thân” cải thiện chỉ số hạnh phúc. Như vậy, các trường có thể tạo ra thang đo riêng về mức độ hạnh phúc bằng cách đối thoại, ghi nhận ý kiến của giáo viên và học sinh, từ đó điều chỉnh cho phù hợp.
Tôn trọng sự đa dạng và khác biệt
Ở nhóm tiêu chuẩn con người bao gồm tiêu chí về tình bạn và mối quan hệ tích cực trong nhà trường dựa trên nền tảng tin tưởng, tôn trọng, bao dung, công bằng; Cán bộ, giáo viên, nhân viên lắng nghe tích cực, phản hồi mang tính xây dựng, chia sẻ, hỗ trợ với đồng nghiệp và học sinh; Tinh thần dân chủ được đảm bảo, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt về văn hóa, tôn giáo, giới tính, bản dạng giới, xu hướng tính dục hay có khó khăn khuyết tật về thể chất và học tập; Những giá trị, thái độ tích cực như chính trực, tận tâm, lòng biết ơn, hợp tác, thấu cảm, sáng tạo, tự tin và những hành vi tích cực được khuyến khích.
“Làm thực chất, không hành chính hóa” cũng là điều thứ trưởng Bộ GD-ĐT gửi gắm đến Sở GD-ĐT và các trường học. “Các trường phải đánh giá một cách tự nguyện, dựa trên cơ sở lợi ích cũng như sự tiến bộ của chính trường mình”, ông Phúc bày tỏ.
Ngoài ra, ông Phúc nhận định, quá trình xây dựng trường học hạnh phúc phức tạp và lâu dài nên các trường không thể nóng vội. Mặt khác, những tiêu chí đề ra không thể hoàn hảo ngay lập tức mà sẽ liên tục được hoàn thiện trong khi triển khai thực tế. Từ đây, ông Phúc đề xuất Sở GD-ĐT TP.HCM thành lập diễn đàn trực tuyến dành riêng cho giáo viên các trường chia sẻ cách làm hay khi áp dụng bộ tiêu chí để trường khác rút kinh nghiệm.
Giao nhiệm vụ học tập hợp lý và công bằng
Ở nhóm tiêu chuẩn về dạy học và hoạt động giáo dục, Bộ tiêu chí đề cập đến việc giao nhiệm vụ học tập hợp lý và công bằng chú trọng dạy học phát huy phẩm chất và năng lực người học, các môn học và hoạt động giáo dục được áp dụng các phương pháp tích cực phát huy tinh thần làm việc nhóm.
Đồng tình với chủ trương của các cấp lãnh đạo, bà Nguyễn Thị Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Âu (Q.12) bày tỏ: “Quá trình xây dựng trường học hạnh phúc không cần hành chính hóa, miễn là tạo nụ cười cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Có như vậy, các mối quan hệ tại trường học mới đến với nhau bằng tình thương thật sự”.
Nhược điểm, khuyết điểm chỉ là một phần của thời học sinh
Nhóm tiêu chuẩn về môi trường đề cập đến các tiêu chí môi trường học tập thân thiện an toàn không có bạo lực bắt nạt (kể cả bắt nạt trực tuyến); Trường học đạt tiêu chuẩn về trường học xanh, tầm nhìn…
Đặc biệt ở nhóm tiêu chuẩn này có đề cập đến tiêu chí kỷ luật tích cực được áp dụng trong nhà trường. Trong đó có đưa ra các gợi ý nội dung thực hiện tiêu chí: Học bạ là sự ghi nhận suốt hành trình học tập và theo suốt hành trình về sau của mỗi con người, vì thế cần ghi nhận mặt ưu điểm còn nhược điểm, khuyết điểm chỉ là một phần của thời học sinh; khi đánh giá khuyết điểm cần xem xét cả quá trình theo dõi sau khi đã phối hợp gia đình hỗ trợ học sinh; xem xét kỹ câu chữ khi nhận xét vào học bạ của học sinh. Nhà trường lưu giữ hồ sơ liên quan đến kỷ luật học sinh theo quy định. Hạn chế ghi hình thức kỷ luật vào học bạ, hướng tới kỷ luật tích cực học sinh.