NGƯỜI ĐƯỢC TÚI BÁNH KẸO, NGƯỜI MƠ VỀ NƠI XA…
Anh Thái Hoàng, giáo viên Trường THCS-THPT Bác Ái, TP.HCM, cho biết trước đây anh từng dạy 3 trường tư một lúc, mỗi trường dạy khoảng 2 lớp để biết được nhiều môi trường, có nhiều trải nghiệm. Ba năm nay, anh chỉ dạy ở một trường. Liên quan tiền thưởng tết vì thế cũng có nhiều kỷ niệm. "Kỷ lục thưởng tết trong 20 năm đi dạy của tôi, năm thấp nhất là 2020 với… 0 đồng, vì thời gian đó dịch bệnh. Còn năm 2023 là kỷ lục cao nhất, vì tôi là giáo viên (GV) cơ hữu được 5 triệu đồng. Đồng nghiệp là GV thỉnh giảng được 1 triệu đồng", anh Thái Hoàng chia sẻ.
Thầy giáo dạy ngữ văn này cho hay đối với nhiều đồng nghiệp của anh dạy ở một số trường tư khác tại TP.HCM thì đến giờ thưởng tết vẫn còn là "ẩn số". Dù vậy, anh cho hay mọi người đều có thể sớm đoán được tình hình vì năm qua kinh tế khó khăn, ảnh hưởng tới mọi ngành nghề.
Anh Thái Hoàng lý giải: "Thưởng tết ở trường tư thục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là tuyển sinh đầu năm học. Tuyển sinh được nhiều, sĩ số học sinh đông thì thưởng tết sẽ cao, nhất là nếu có số học sinh nội trú nhiều. Tôi là GV thỉnh giảng, chưa biết thưởng tết thế nào, tới ngày nhận lương mới biết, nhưng nếu được 1 triệu đồng thì cũng may mắn rồi. Nhiều ngành nghề có lương tháng 13, còn đối với GV trường tư thì tháng lương 13 là "mơ về nơi xa lắm"".
Là chủ doanh nghiệp xã hội Your-E, làm việc trong lĩnh vực giáo dục, Tết Nguyên đán 2024 anh Lê Hoàng Phong (trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chỉ có món quà là túi bánh kẹo tết tặng nhân viên kèm lá thư tay. Ngoài ra, anh không thể chi lương tháng 13 như năm ngoái, vì doanh thu giảm mạnh. "Tôi viết thư nhằm cảm ơn sự đóng góp của các bạn về những tác động các bạn mang lại cho các em học sinh nghèo và lời chúc mừng năm mới. Chúng tôi có 4 nhân viên toàn thời gian, có thể tết tôi sẽ có lì xì cho các bạn 1 triệu đồng lấy may", anh Phong nói.
Chủ doanh nghiệp xã hội này cũng chia sẻ thêm: "Năm rồi kinh tế khó khăn. Học viên các khóa nghỉ giữa chừng vì không có tiền đóng học phí, chủ nhà từ tháng 10.2023 tới giờ còn giảm tiền thuê mặt bằng cho chúng tôi 2 triệu mỗi tháng tới khi kinh tế phục hồi, nên chúng tôi mong mọi người cùng thông cảm, vượt qua giai đoạn này. Tôi rất cảm động khi vừa qua có 2 bạn nhân viên của tôi đã từ chối nhận lương, để chúng tôi đủ trả tiền thuê nhà…".
CHỦ TRƯỜNG, LỚP MẦM NON "GỒNG"ĐỂ THƯỞNG TẾT
Anh N.M, chủ trường mầm non N.L tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết GV, nhân viên tại trường của anh có tháng lương thứ 13 là tiền thưởng tết. Mỗi người có thể được thưởng 6-8 triệu đồng. "Bây giờ mầm non tư thục cạnh tranh. Nếu mình không có thưởng tết thì nhân sự sẽ không gắn bó lâu dài. Chỗ nào lương thưởng ổn hơn là họ sẽ nhảy việc ngay, tìm người mới và đào tạo lại còn mất thời gian, tiền bạc nhiều hơn", anh M. nói.
Chị H.N.N, chủ một lớp mẫu giáo tại TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết chủ lớp như chị cần lo khoảng 200 triệu đồng để thưởng tết cho các cô giáo, nhân viên. "Chúng tôi thưởng Tết Nguyên đán cho mỗi cô 1 tháng lương, kèm bữa tiệc nho nhỏ để tổng kết năm. Tùy vào thâm niên làm việc, chuyên môn mà mỗi cô có mức thưởng tết khác nhau. Người được 8 triệu, người 10 triệu đồng hoặc hơn", chị N.nói.
TIỀN THƯỞNG TẾT KHÔNG PHẢI TRÊN HẾT
Tuy nhiên, theo chị H.N.N, thưởng tết không phải là tất cả trong chính sách giữ chân người làm việc giỏi. Để giữ chân người lao động, chị N. còn thực hiện nhiều chính sách khác như mỗi tháng tặng mỗi cô 2 thẻ đi làm đẹp, gội đầu, làm móng, massage mặt tại các spa gần nơi làm việc, để thư giãn, giảm bớt căng thẳng. Lớp mẫu giáo cũng tạo điều kiện cho các cô tham gia các khóa học phương pháp nước ngoài để nâng cao tay nghề, có cơ hội tăng lương, hỗ trợ thời gian cho các cô đi học, hỗ trợ học phí, cho ứng trước tiền đóng học phí…
"Chúng tôi cho rằng các chính sách này cần thiết, bởi đang giúp các cô giáo mầm non, nhân viên trong trường, lớp có thể làm được đúng nghề mình yêu thích mà vẫn lo được cho cuộc sống riêng. Dù không giàu có nhưng nghề này cũng giúp các cô nuôi được con cái, gắn bó lâu dài với cơ sở mầm non. Khi các cô có cuộc sống ổn định, tay nghề tăng cao thì sẽ góp phần hỗ trợ tốt nhất cho trẻ", chị H.N.N chia sẻ.
NGƯỜI TÀI CẦN NHIỀU HƠN "THƯỞNG TẾT"
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, năm vừa qua các hệ thống giảng dạy tiếng Anh gặp không ít thử thách vì tình hình kinh tế khó khăn chung. Dù vậy, anh Lê Đình Lực, Giám đốc điều hành hệ thống DOL English, cho hay vẫn duy trì chế độ lương thưởng như các năm qua, áp dụng cho toàn bộ 18 chi nhánh trên cả nước.
Anh Lực nói với PV Báo Thanh Niên: "Với các nhóm marketing hay IT, công ty thưởng theo dự án xuyên suốt năm. Các nhóm về kinh doanh và vận hành nhận thưởng theo từng tháng và nhóm GV được thưởng theo khóa. Với bộ phận giảng dạy, chúng tôi hiện trả lương cao, hầu hết GV không phải lo về vấn đề chi phí sinh hoạt tăng để tập trung vào chuyên môn. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán 2024, chúng tôi thưởng tháng lương 13 cho các nhân viên, giáo viên toàn hệ thống".
Dù vậy, anh Lực, một GV, cũng là người điều hành hàng trăm nhân sự qua 7 năm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, cho rằng người tài sẽ làm việc, "sống chết" cùng doanh nghiệp khi họ thấy được cái tâm, tầm nhìn của doanh nghiệp, chứ không chỉ vì thu nhập.
"Người tài hầu hết chọn đầu quân vào nơi giúp họ tạo ra nhiều giá trị tích cực, ảnh hưởng, lộ trình thăng tiến rõ ràng. Điều đó giải thích vì sao có nhiều kỹ sư chấp nhận bỏ vị trí tốt ở các "ông lớn" để qua các công ty nhỏ hơn, nơi họ tạo được nhiều giá trị và ảnh hưởng hơn dù thu nhập thấp hơn", ông chủ của DOL English lý giải cho việc công ty của anh không chỉ tập trung tuyển đúng người tài mà còn xây dựng bộ văn hóa doanh nghiệp, các hoạt động đào tạo nội bộ để giữ chân lao động hiệu quả, đặc biệt là các lao động gen Z.
Đơn vị của anh Lực thường tổ chức các buổi đào tạo nội bộ, buổi chia sẻ của các chuyên gia để các GV, nhân viên được cải thiện kỹ năng mềm của bản thân như tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, tự học, giao tiếp và hợp tác, khả năng học tập suốt đời, trí tuệ cảm xúc (EQ), chỉ số vượt khó (AQ). "Từ đó, các GV, nhân viên thấy rằng công ty không chỉ là nơi làm việc mà còn là nhà, là nơi yêu và hiểu họ. Từ đó thưởng tết không còn là lý do để khiến người lao động quyết định đi hay ở", anh Lực chia sẻ.
Trường công: Không có quy định chung về thưởng tết
Từ khi thực hiện chế độ khoán tài chính cho các trường, việc chi tiêu được hiệu trưởng (chủ tài khoản) lên kế hoạch theo quy chế chi tiêu nội bộ. Quy chế này được thông qua ở hội nghị viên chức, người lao động vào đầu năm học. Theo đó, trường tập trung cho việc trả lương và các hoạt động phục vụ việc dạy - học với tinh thần thật tiết kiệm để cuối năm có dư thưởng tết cho thầy cô giáo. Việc thưởng tết mỗi trường, mỗi vùng miền khác nhau tùy vào tiền "tiết kiệm chi" còn nhiều hay ít và cũng không có quy định phải bắt buộc chi. Do đó, cuối năm trường có thưởng tết, trường thì không là vậy.
Nguyễn Văn Lực (Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)