Các văn bản này đã chỉ rõ trách nhiệm của các địa phương, cơ sở giáo dục trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, một trong những nội dung đó là: “Việc thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách; các khoản đóng góp hỗ trợ tự nguyện không hoàn lại bằng tiền, hiện vật hoặc phi vật chất từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước”.
Thanh tra sở GD-ĐT có trách nhiệm chủ động tham mưu, tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định.
Ông Nguyễn Đức Cường cũng cho biết từ năm học 2023-2024, Bộ GD-ĐT đã có Hướng dẫn số 3972/BGDĐT-TTr ngày 7.8.2023, hướng dẫn thanh tra, kiểm tra năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, nêu rõ nội dung thanh tra, kiểm tra; quy trình thanh tra, kiểm tra; tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra và các mẫu biểu cũng như quy định khác có liên quan.
Một trong những nội dung trọng tâm của công tác thanh tra, kiểm tra năm học của các sở GD-ĐT cũng được Bộ GD-ĐT nêu rõ: “Việc dạy thêm, học thêm; thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; dạy học ngoại ngữ, tin học; hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; hoạt động liên kết đào tạo, phối hợp dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề trong các cơ sở giáo dục thường xuyên; việc quản lý, thu và sử dụng các khoản thu ngoài ngân sách; thực hiện quy định về công khai, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn”.
“Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ GD-ĐT đang chủ trì tiến hành thanh tra kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học năm 2023-2024 tại 4 sở GD-ĐT trong cả nước. Tiếp tục tổng hợp thông tin phản ánh, kịp thời có biện pháp xử lý đảm bảo quy định pháp luật”, ông Cường thông tin.