Thầy Lê Hoàng Phong chỉ ra một số chìa khóa cho vấn đề trên. Trước tiên sinh viên cần xác định mục tiêu học tập rõ ràng, từ đó biết môn nào mình nên học, CLB, hội nhóm nào trong trường ĐH mình nên tham gia. Kế đó, mỗi người cần trang bị tư duy kiên trì, nỗ lực, không bỏ cuộc. Đồng thời ở môi trường ĐH, nhiều người sống xa gia đình, xa quê hương với rất nhiều sự "hấp dẫn" ở xung quanh. Do đó cần sự kiểm soát bản thân, để không quá sa đà vào những hình thức giải trí, nhưng cũng không mất đi những trải nghiệm thú vị, những mối quan hệ chất lượng với những người bạn cùng chí hướng, những CLB bổ ích tại ngôi trường mình theo học.
"Đâu là kinh nghiệm học tiếng Anh hiệu quả?" cũng là băn khoăn của nhiều bạn đọc là học sinh, sinh viên. Trả lời PV Báo Thanh Niên, thầy giáo tiếng Anh nhận chứng chỉ Lãnh đạo giảng dạy và chứng chỉ Giảng dạy ĐH của Harvard Graduate School of Education, Mỹ, cho biết nền tảng quan trọng của việc học tiếng Anh là ngữ pháp và từ vựng, đồng thời cần thực hành, thực tập thật nhiều, trong nhiều ngữ cảnh khác nhau.
Đồng thời theo anh, người học cần quan tâm các thông tin tiếng Anh trên các kênh YouTube, Podcast, các tài liệu tiếng Anh chuyên ngành để mở rộng, gắn chặt công cụ tiếng Anh vào chuyên ngành mà mình đang học, chứ không phải chỉ nhắm mục tiêu học tiếng Anh lấy chứng chỉ IELTS, TOEIC…
Trước "làn sóng" đổ xô đi học IELTS, dù có khi bạn học sinh mới chỉ đang học tiểu học, thầy Lê Hoàng Phong cho rằng cần hiểu lộ trình IELTS được thiết kế sau lộ trình học các chứng chỉ Movers, Flyers, KET, PET…
"Nhiều phụ huynh thấy "con nhà người ta" có điểm IELTS cao, nên đã "đốt cháy giai đoạn", cho con học thẳng lên IELTS, bỏ qua nền tảng Movers, Flyers… vốn đóng vai trò quan trọng trong tư duy, phát triển ngôn ngữ cho bé. Trong trường hợp này là không tốt. Còn với sinh viên, khi học IELTS thì cần xác định là đã đủ nền tảng, ngữ pháp để học kỹ năng tiếng Anh mang tính chuyên ngành, học thuật này hay chưa, chứ không phải cứ là sinh viên thì mặc nhiên đủ điều kiện để học IELTS", anh Lê Hoàng Phong nhấn mạnh.