Nên thận trọng thực hiện chủ trương cấp giấy chứng nhận hay chứng chỉ miễn phí cho GV để sử dụng suốt đời. Bài học kinh nghiệm khi ra đời chùm 4 thông tư (chức danh nghề nghiệp, xếp hạng, xếp lương GV) lúc đầu là ban hành liên bộ, về sau là chỉ riêng Bộ GD-ĐT dự thảo và ký ban hành, đã dậy sóng trong dư luận và phản ứng dữ dội trong toàn ngành.
Vì vậy, đề xuất cấp giấy chứng nhận nhà giáo còn có những băn khoăn chưa đồng tình.
Chủ trương có thể đúng nhưng việc tổ chức triển khai vấn đề này lại là việc rất khó khả thi. Chắc chắn trong xã hội và toàn ngành sẽ hiểu: bản chất đây là việc cấp "giấy phép con". Giấy phép con nó để lại hậu họa thế nào thì chúng ta đều có trải nghiệm đau lòng. Vì nó có giá trị cả đời thì phải "chạy" bằng mọi cách để có nó. Từ đây một cuộc đua trong đội ngũ sẽ xảy ra và dư luận chắc chắn sẽ dậy sóng trên cả nước.
Việc bồi dưỡng GV là miễn phí nhưng thực tế liệu có miễn phí? Nếu hàng vạn GV phải thực hiện chủ trương này, sẽ tốn kém bao nhiêu? Thế hệ GV lâu năm trong nghề sẽ chịu áp lực đến đâu khi năm tháng trong nghề của mình đang cận kề? Chúng ta có GV trường công, trường tư thì quy định thế nào khi cấp giấy chứng nhận? Đặc biệt GV dạy tự do hay chưa đủ điều kiện về sư phạm thì sẽ cấm họ dạy khi chưa cấp giấy chứng nhận, mới bình đẳng. Công tác quản lý nhà trường sẽ thêm việc, thêm khó khăn khi mà chúng ta đang gồng mình để thay sách giáo khoa mới và bồi dưỡng phương pháp dạy học mới…
Chưa kể, về pháp lý có vẻ không ổn, chưa vững chắc. Thực tế GV đã tốt nghiệp sư phạm và đang dạy học, đang ăn lương của nhà nước là có tư cách pháp nhân của GV rồi, không phải cấp giấy phép lần nữa. Nay do nhu cầu phát triển giáo dục, cần nâng cao và củng cố đội ngũ thì chúng ta phải bồi dưỡng, cập nhật năng lực hành nghề là đúng. Nhưng đó là việc làm thường xuyên của từng trường, từng GV và chỉ cần được xác nhận hoàn thành công việc bằng giấy chứng nhận của đơn vị tổ chức lớp học mà không cần chứng chỉ do nhà nước cấp. Hoạt động này thật đơn giản khâu tổ chức, mà hiệu quả thiết thực và hạn chế tối đa tiêu cực.