ĐƯA HỌC SINH TRẢI NGHIỆM TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Chính từ những định hướng này nên thay vì trước đây, thông thường đến bậc THPT, thậm chí đến lớp 11 HS mới được định hướng nghề nghiệp, trải nghiệm ngành nghề thì hiện nay, ngay từ lớp 8, HS đã có những tìm hiểu thực tế việc học ĐH, mô hình ngành nghề trong xu hướng phát triển để định hình cho bản thân. Đưa HS đến trải nghiệm học tập ở trường ĐH là cách thức mới trong tiết học hướng nghiệp ở bậc THCS bắt đầu được triển khai tại TP.HCM.
Lần đầu tiên, HS khối 8 của Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lần lượt thực hiện tiết học mỹ thuật tại Không gian học thuật của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Trong tiết học đó, giáo viên mỹ thuật của Trường THCS Hà Huy Tập đã trở thành trợ giảng còn giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật trở thành "giáo viên lớp 8" đứng lớp, hướng dẫn HS tham quan không gian, giới thiệu về các loại hình tranh, điêu khắc và cơ hội nghề nghiệp…
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phó phòng Đảm bảo chất lượng giáo dục và công tác sinh viên, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, cho hay đây là lần đầu tiên nhà trường đón HS bậc THCS đến tham quan, tìm hiểu về ngành học cũng như cơ hội nghề nghiệp từ các ngành nghề đào tạo. Thạc sĩ Hoàng Yến đánh giá điểm mới này cho thấy sự quan tâm, đổi mới công tác hướng nghiệp ngay từ bậc THCS. Qua đó giúp HS sớm tiếp cận những lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến môn học, từ đó có định hướng đúng đắn môn học ở bậc THPT, xác định được đam mê để đeo đuổi ngành nghề…
TRANG BỊ KIẾN THỨC NGÀNH NGHỀ CHO HỌC SINH
Trong tâm trạng bất ngờ, mới lạ khi học tiết mỹ thuật trong trường ĐH với giảng viên ĐH, một HS lớp 8/4 Trường THCS Hà Huy Tập chia sẻ: "Bình thường em có học vẽ ở trung tâm nhưng nay đến Trường ĐH Mỹ thuật, em được biết thêm các ngành nghề có xuất phát điểm từ năng khiếu vẽ. Qua đây em hiểu học vẽ, học mỹ thuật không chỉ làm họa sĩ mà còn có thể trở thành nhà điêu khắc, nhà làm phim hoạt hình, thiết kế đồ họa…".
Trong khi đó, giáo viên mỹ thuật Mai Đình Minh Anh, Trường THCS Hà Huy Tập, chia sẻ hoạt động này, ngoài mong muốn đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá môn học còn hướng tới trang bị cho HS kiến thức ngành nghề liên quan đến bộ môn mỹ thuật nhằm hướng nghiệp sớm cho HS.
Giáo viên Minh Anh cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế việc giảng dạy bộ môn mỹ thuật ở trường phổ thông là cơ sở vật chất. Nhà trường có một phòng học mỹ thuật, trưng bày những tác phẩm của giáo viên, HS song vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu chuyên sâu của bộ môn, HS khó hình dung được sự thú vị của môn học. Việc đưa HS đến học tại trường ĐH sẽ giúp các em có hình dung trực quan về môn học, thích thú hơn khi học tập. Đặc biệt, theo cô Minh Anh, trong quá trình học THCS, nhiều em thể hiện năng khiếu mỹ thuật rất tốt, song thường lên lớp 8, lớp 9 sẽ giảm dần để tập trung vào các môn học thi tuyển sinh vào lớp 10. Do đó, qua tiết học tại trường ĐH giúp các em nuôi dưỡng đam mê, định hướng về ngành nghề cho tương lai.
HỌC TẠI NHÀ MÁY, CÔNG TY
Cũng trong năm học này, HS Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) sẽ lần lượt thực hiện các tiết hướng nghiệp trải nghiệm tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Cục Viễn thông, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nhà máy sản xuất thực phẩm ăn liền, trường hướng nghiệp dạy nghề…
Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, cho hay đây là điểm mới trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường. Những năm trước, trường thường kết nối với các trường THPT để giới thiệu về tuyển sinh lớp 10 nhưng đến nay, để giúp cho HS chuẩn bị tốt nhất khi bước vào chương trình THPT, lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp, trường tổ chức cho HS đến với trường ĐH, nhà máy, xí nghiệp… Nhà trường cố gắng giúp HS có cái nhìn đa dạng về loại hình đào tạo, ngành nghề để các em có sự lựa chọn chính xác nhất có thể.
HƯỚNG NGHIỆP SỚM BẮT NGUỒN TỪ ĐỊNH HƯỚNG CHƯƠNG TRÌNH
Đề cập đến những thay đổi về công tác hướng nghiệp ở bậc THCS, bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Q.1), nhìn nhận Chương trình GDPT 2018 đặt ra phải thực hiện sớm những yêu cầu này. Việc hướng nghiệp hiện nay không còn chỉ là phân luồng HS theo các mô hình giáo dục phù hợp với năng lực và điều kiện gia đình sau khi tốt nghiệp bậc THCS mà cần định hướng cho HS hiểu về thế mạnh của bản thân, ngành nghề nào phù hợp, cần học theo nhóm môn học nào để chọn trường THPT…
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1) cũng nói: "Công tác hướng nghiệp nay đã khác, rộng hơn, sớm hơn và đa dạng hình thức tiếp cận. Bên cạnh kiến thức cơ bản về ngành nghề, các trường chủ động thực hiện việc kết nối để sớm tạo cho HS nền tảng, nuôi dưỡng đam mê, định hướng nghề nghiệp. Càng chuẩn bị sớm bao nhiêu thì càng giúp HS hiểu học ngành gì, làm nghề gì để phù hợp và phát huy hết năng lực cá nhân".
Tương tự, bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh), cũng chỉ ra rằng trường THCS phải đổi mới công tác hướng nghiệp mới giúp HS đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT. Công tác hướng nghiệp ở bậc THCS phải thể hiện vai trò, trách nhiệm trang bị cho HS kỹ năng, kiến thức bước đầu tiếp cận với các lĩnh vực ngành, nghề để chọn được đúng nhóm môn học ở bậc THPT. "Việc tổ chức cho học trò trải nghiệm với các ngành nghề, các trường đào tạo là dịp để các em "lắng nghe" bản thân một cách tích cực nhất. Các em nhìn, biết, hiểu, thích thú sẽ là cơ sở để các em có sự lựa chọn tổ hợp môn phát huy năng lực, sở trường, thế mạnh bản thân".
Giúp học sinh sớm "định vị" được bản thân
Nói về những thay đổi của các trường THCS trong việc hướng nghiệp HS, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận yêu cầu đổi mới hướng nghiệp khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 đặt ra cho cả bậc THCS, THPT. Khi được hướng nghiệp từ sớm sẽ giúp HS sớm "định vị" được bản thân để chọn được đúng nhóm môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT. Việc trường THCS đổi mới không gian học tập ở trường ĐH là mô hình rất mới mẻ, vừa mở ra không gian tiếp cận môn học, vừa giúp HS THCS sớm có cái nhìn về những lĩnh vực ngành nghề để các em có thể tự tin định hướng nghề nghiệp khi bước lên bậc THPT.