Một học sinh THPT tên H.K tại Hà Nội từng chứng kiến hai người bạn có hành vi bạo lực thể chất và bạo lực bằng lời nói với học sinh khác trong lớp: tát, miệt thị ngoại hình và chửi bới. Qua tiếp xúc, K. nhận thấy điểm chung về tính cách của cả hai bạn là hay buông lời nặng nề và dễ cáu giận khi mọi việc không như ý. Một bạn từng tâm sự với K. về việc sống xa bố mẹ lúc nhỏ, hiện nay thường bị bố đánh tím chân và cấm đi chơi nếu làm sai hoặc bị điểm kém.
Trường hợp khác là một nam sinh lớp 6 bình thường rất vui vẻ nhưng khi tức giận sẽ lập tức đánh bạn. Dù hối hận sau đó, xu hướng bạo lực vẫn tái diễn ở nam sinh.
Qua tham vấn trực tiếp, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Lương Huệ Mẫn, chuyên viên tâm lý tại Ladies of Vietnam (TP.HCM), biết được việc thường xuyên bị đánh mỗi khi làm sai khiến em này coi bạo lực là cách giải quyết vấn đề.
Trên trang iMom, chuyên viên tư vấn về nuôi dạy con người Mỹ Cyndi Barber chia sẻ việc nhà trường từng phản ánh con gái của cô nói những điều sai sự thật, gây tổn thương cho các bạn khác. Sau sự việc, cô Barber đã suy nghĩ về một số khía cạnh chưa từng thấy ở con trước đây như phán xét vẻ ngoài, thiếu đồng cảm, hung hăng…
Đây chỉ là 3 câu chuyện “bề nổi” về những học sinh gây ra bạo lực học đường. Bởi tính chất phức tạp của tâm lý và sự đan xen nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, các chuyên gia đồng tình rằng mỗi trường hợp cần được xem xét đa góc độ để đánh giá toàn diện. Dẫu vậy, thạc sĩ Huệ Mẫn có thể khái quát một số yếu tố liên quan đến xu hướng bạo lực ở trẻ gồm: nhận thức, khí chất, quá trình hình thành nhân cách, trải nghiệm trong quá khứ…
Về những lý do thôi thúc cá nhân thực hiện hành vi bạo lực, tiến sĩ tâm lý Giang Thiên Vũ, khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, đề cập đến việc bắt chước bạn bè hay trào lưu Emo (trào lưu cảm xúc); bị công kích, ép buộc; thấy vui vẻ khi tác động vật lý lên ai đó; buộc phải thực hiện để cảnh cáo những người mà trẻ không thích; từng mâu thuẫn với bạn bè hoặc bị đem ra làm thú tiêu khiển; giải tỏa nỗi cô đơn; tăng sự tự tin, lòng can đảm; không thích, xem thường hoặc ganh tị với bạn học.
Nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra rằng chấn thương tâm lý/trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (bị bạo hành gia đình, bị lạm dụng tình dục…) làm gia tăng xu hướng bạo lực ở giai đoạn vị thành niên.
Theo tiến sĩ Lê Thị Mai Liên, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trẻ bị tổn thương vì không được đáp ứng nhu cầu về tình yêu thương, cảm giác an toàn… nên hình thành nỗi hoài nghi về môi trường xung quanh, thậm chí là chính mình. Từ đó, trẻ thường bộc lộ sự cáu kỉnh và có hành vi gây hấn như một cách “làm người khác đau để mình bớt đau”.
Đồng quan điểm trên, tiến sĩ tâm lý Giang Thiên Vũ lưu ý: “Vì không thể thực hiện hành vi bạo lực để ‘trả thù’ những người đã gây nên nỗi đau cho mình, các em mới có xu hướng chuyển sự bạo lực này sang bạn bè”.
Trẻ tổn thương cần được giúp đỡ
Bạo lực học đường là hành vi khó chấp nhận về mặt đạo đức, song ở góc độ tâm lý, các chuyên gia cho rằng người lớn cần có cái nhìn nhân văn hơn với những đứa trẻ bạo lực. Tính nhân văn ở đây được thể hiện thông qua biện pháp xử lý, hỗ trợ và phòng ngừa.
Khi sự việc xảy ra, tiến sĩ Mai Liên đề xuất nhà trường không nên xử lý ngay lập tức theo hướng trừng phạt khiến học sinh tức giận hoặc sợ hãi, thay vào đó cần trò chuyện với các bên liên quan để tìm hiểu vấn đề.
Nếu nguyên nhân xuất phát từ tổn thương tâm lý, trẻ cần sự can thiệp chuyên sâu của các nhà tham vấn, trị liệu cũng như nỗ lực đồng hành từ phía gia đình, nhà trường và cộng đồng để từng bước thích ứng với nỗi đau, hình thành các nguồn lực và “bước qua” nỗi đau ấy, tiến sĩ Thiên Vũ cho hay.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Liên xác định mấu chốt của tiến trình chữa lành là tháo gỡ “nút thắt” cảm xúc tiêu cực để hạn chế chuyển hóa thành hành vi bạo lực. Muốn làm được điều này, người lớn cần thiết lập mối quan hệ an toàn, tin cậy với trẻ thông qua thái độ không phán xét và biện pháp trung gian như tranh vẽ, trò chơi… để trẻ nói ra trải nghiệm gây đau đớn.
“Ngoài diễn đạt và làm chủ cảm xúc, mỗi đứa trẻ nên kết nối với bản thân và yêu thương chính mình, từ đó biết cư xử tử tế với người khác và trở nên bình an hơn”, tiến sĩ Liên nói.
Cuối cùng, để tăng tính phòng ngừa bạo lực học đường, các chuyên gia gợi ý nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn kỹ năng quản lý cảm xúc, ứng phó với khủng hoảng, đồng thời tăng cường công tác truyền thông về phòng tham vấn tâm lý để học sinh nhận diện và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần.