Vào năm học mới 2023 – 2024, nhiều phụ huynh ở TP.Đà Nẵng lại nêu ý kiến đến nhà trường và các cấp quản lý về việc con em phải ngồi khom lưng viết bài, vì kích thước của bàn ghế ở trường học không phù hợp với chiều cao học sinh (HS). Đây là vấn đề không mới, đã được các phụ huynh đề cập rất nhiều năm qua nhưng vẫn không được giải quyết.
Trao đổi với PV Thanh Niên, chị N.T.T.N (trú Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), có con học lớp 10 tại Trường THPT Trần Phú (TP.Đà Nẵng), cho biết con đã tâm sự với bố mẹ về việc bàn ghế ở trường quá thấp, gây mỏi lưng, đau vai gáy khi phải khom lưng viết bài.
“Con trai tôi học lớp 10, hiện cao 1,75 m, nhưng bàn ghế lại quá thấp, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của con. Các bạn nam trong lớp cũng rơi vào cảnh khom người viết bài tương tự. Chúng tôi đã có nhiều ý kiến về việc kích thước bàn ghế ở trường chưa phù hợp với chiều cao của các cháu nhưng chưa được giải quyết”, chị N. kể.
Ông N.V.Đ (trú Q.Hải Châu) cho biết con trai ông đang học lớp 12 tại Trường THPT Trần Phú. Từ năm lớp 10, con ông đã cao 1,8 m nên 3 năm học qua phải chấp nhận cảnh… khom người ngồi học trên bộ bàn ghế quá thấp.
Con trai lớn của ông Đ. đã tốt nghiệp THPT năm ngoái, con nhỏ thì học lớp 12 tại Trường THPT Trần Phú. Theo dõi suốt nhiều năm, ông Đ. nhận thấy nhà trường không thay đổi kích thước bàn ghế. Cũng theo ông Đ., hiện nay các cháu thế hệ sau này được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên chơi thể thao nên thể hình rất cao to so với các thế hệ trước. Vì vậy, kích thước bàn ghế đã “lỗi thời” so với học sinh cấp THPT ngày nay.
“Tôi cao 1,7 m, khi đi họp phụ huynh chỉ ngồi 1 tiếng đồng hồ đã mỏi cả người, thì hỏi các cháu ngồi học tập suốt 3 năm học sẽ chịu đựng như thế nào? Khom lưng học tập suốt thời gian dài sẽ gây bệnh tật cho các cháu. Tôi chỉ muốn góp ý để cơ quan chức năng khảo sát thực tế và có sự thay đổi kích thước bàn ghế kịp thời để phù hợp với các cháu sau này”, ông Đ. mong muốn.
“Họp phụ huynh, chúng tôi có ý kiến rất rõ ràng, đưa ra dẫn chứng thực tế rằng chiều cao phụ huynh thấp hơn các con mà đã không thể ngồi được thì các con sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe rất nhiều. Cô giáo chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường tiếp thu ý kiến, ghi vào biên bản cuộc họp nhưng mấy năm qua đâu vẫn vào đấy”, ông Đ. nói.
“Đã nêu ý kiến đến Bộ GD-ĐT”
Ngày 3.10, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Hồ Thị Thảo Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (TP.Đà Nẵng), xác nhận thông tin phụ huynh phản ánh bàn ghế quá thấp so với chiều cao HS là hoàn toàn chính xác. Đây là vấn đề đã được phụ huynh nêu ý kiến rất nhiều trong các cuộc họp. Tuy nhiên, với chức năng của nhà trường, khi tiếp nhận ý kiến của phụ huynh về cơ sở vật chất thì đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT.
Theo lãnh đạo Trường THPT Trần Phú, HS của trường được ngồi bàn ghế rời, ghế cao 41 cm, bàn cao 69 cm. “Đa số HS hiện nay đều có chiều cao khá tốt, việc bàn ghế thấp so với các em là điều ai cũng thấy. Khi nhà trường có ý kiến về kích thước bàn ghế quá thấp so với chiều cao HS thì có lần đại diện Sở GD-ĐT hướng dẫn nhà trường xử lý đóng nối thêm chân bàn, ghế cao lên cho các em ngồi học tập tạm thời. Tuy nhiên, qua thời gian ngắn, do HS nghịch nên các đế gỗ nối thêm này bị rơi ra ngoài, càng thêm bất tiện”, bà Nguyên thông tin.
Theo Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, mỗi năm lực lượng liên ngành y tế và giáo dục các cấp phối hợp đi kiểm tra y tế học đường tại các trường học. “Các lực lượng có khảo sát thực tế chiều cao, cân nặng của HS để đưa ra những tiêu chuẩn phù hợp với sức khỏe các cháu, tuy nhiên kích thước bàn ghế vẫn chưa thấy thay đổi”, bà Nguyên nói.
Chiều 3.10, trả lời Thanh Niên, ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết từ 5 – 7 năm trước phụ huynh đã phản ánh về việc kích thước bàn ghế theo quy định của Bộ
GD-ĐT không phù hợp với chiều cao HS. Việc HS gặp khó khăn, bất tiện khi ngồi bàn ghế thấp so với chiều cao xảy ra ở hầu hết các trường THPT trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng cho biết các phòng chức năng của Sở GD-ĐT qua các năm đều lắng nghe và có thống kê ý kiến gửi đến các cấp có thẩm quyền cao hơn nhưng vẫn đang chờ hướng dẫn, điều chỉnh.
Nhờ nhà hảo tâm tặng và thay bàn ghế kiểu “cuốn chiếu”
Ông Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng GD-ĐT H.Minh Hóa (Quảng Bình), cho biết trên địa bàn hiện có 48 trường học với gần 16.000 HS, hầu hết các trường học đều đáp ứng đúng với tiêu chuẩn bàn ghế mà Bộ GD-ĐT đưa ra. “Vì là địa bàn miền núi nên chúng tôi thường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là mùa mưa lũ. Tuy nhiên, hằng năm chúng tôi được các nhà hảo tâm, các hội nhóm từ thiện tìm đến giúp đỡ, trao tặng nhiều bàn ghế, đồ dùng học tập và hầu hết số bàn ghế đó đều đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ đưa ra”, ông Tuấn nói.
Tại H.Lệ Thủy, các trường học ở trung tâm đáp ứng 100% tiêu chuẩn về bàn ghế, nhưng một số địa phương vùng ven, miền núi, vùng biển vẫn đang gặp khó khăn trong việc thay mới vì liên quan đến kinh phí. Các địa phương này hiện vẫn đang được ngành GD-ĐT huyện hỗ trợ dần, cùng với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
Trong khi đó, tại Quảng Trị, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết về cơ bản bàn ghế các trường trên địa bàn tỉnh đảm bảo kích thước theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhưng có nơi do điều kiện khó khăn vẫn đang sử dụng bàn ghế cũ, chưa đúng chuẩn. “Hiện chúng tôi cũng vận dụng mọi nguồn lực, đầu tư thay dần bàn ghế ở những nơi còn chưa phù hợp. Cứ làm dần theo kiểu “cuốn chiếu”, thay những bộ bàn ghế theo đúng tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT”, bà Hương nói.
Nguyễn Phúc – Bá Cường
Giải pháp bàn ghế đơn
Theo bác sĩ Đỗ Thành Tài, chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, chủ nhiệm CLB Karatedo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giải pháp mà các trường nên áp dụng đó là để HS ngồi bàn học cá nhân – mỗi em một bàn, thay vì 2-3 em ngồi chung một bàn học. Đồng thời, sử dụng các bàn học có nấc điều chỉnh độ cao của bàn, ghế, cho phù hợp với thể trạng của từng HS. Những bàn học này khi được đầu tư có thể sử dụng lâu dài, mười năm, mười mấy năm chứ không chỉ ngày một ngày hai.
Đồng thời, y tế học đường, đặc biệt cấp tiểu học, THCS cần phát huy vai trò, thăm khám thường xuyên, theo dõi sự phát triển chiều cao, cân nặng của HS nhà trường, sớm có những đề xuất để thay đổi, điều chỉnh bàn ghế cho phù hợp với thể trạng, chiều cao của các em trong trường.
Thúy Hằng