UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND TP.Hội An tập trung chỉ đạo giải quyết các tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị Cồn Tiến theo thẩm quyền, đúng quy định.
Sở TN-MT chủ trì, cùng Sở Tài chính, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, tham mưu giải quyết các nội dung liên quan đến việc xác định giá đất Khu đô thị Cồn Tiến; rà soát, thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc khắc phục các vi phạm, khuyết điểm về giá đất tại Khu đô thị Đồng Nà, Khu đô thị Võng Nhi.
Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại dự án Khu đô thị Võng Nhi, Khu đô thị Đồng Nà.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp UBND H.Thăng Bình cùng các sở, ngành liên quan xem xét, tham mưu UBND chỉ đạo giải quyết các vướng mắc tại dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương…
Nguy cơ phá sản do bị đóng băng dòng tiền
Trước đó, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương có đơn kiến nghị gửi đến Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam về việc giải quyết các vướng mắc, tồn tại ở các dự án mà doanh nghiệp (DN) này triển khai trên địa bàn tỉnh.
DN này đã tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn Quảng Nam như cầu Cửa Đại, cầu Ông Điền, nút giao Trường Hải, tuyến đường 129, kè chống xói lở biển Cửa Đại…; đầu tư nhiều dự án có quy mô lớn như thủy điện Sông Bung 6, cầu Đế Võng, Khu đô thị Võng Nhi, Khu đô thị Đồng Nà, Khu đô thị Cồn Tiến, khách sạn quốc tế 5 sao Casamia, khu nghỉ dưỡng Bình Dương... với tổng mức đầu tư các dự án hơn 6.300 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân gần 4.800 tỉ đồng.
Giai đoạn từ năm 2018 - 2022, trung bình DN đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Nam hơn 160 tỉ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, DN đang gặp phải những vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Cụ thể, đối với dự án Khu đô thị Cồn Tiến (TP.Hội An), Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương đề nghị tỉnh sớm bàn giao mặt bằng, sớm xác định giá đất để hoàn thành dự án theo tiến độ được gia hạn tới cuối năm 2024.
Tương tự, đối với Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (H.Thăng Bình), DN này cũng đã bỏ ra hơn 254 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng hơn 127 ha trong tổng diện tích 154 ha (tương đương 83%). Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án này được đưa ra khỏi danh mục hoàn trả cho dự án BT cầu Đế Võng.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương đã đồng thuận hoàn trả dự án từ năm 2021. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm kể từ ngày thu hồi dự án, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có chủ trương, định hướng giải quyết phần chi phí mà nhà đầu tư đã bỏ ra trong nhiều năm qua, khiến DN gặp khó khăn về áp lực tài chính và ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh.
Hai dự án Khu đô thị Võng Nhi và Khu đô thị Đồng Nà (TP.Hội An) đã được DN hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng lần lượt từ năm 2019 và 2021. Tuy nhiên, đến nay còn khoảng 20% người mua nhà của dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà.
Trong kiến nghị, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương cho rằng việc cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam tiếp nhận hồ sơ nhưng không giải quyết và đưa ra các lý do không có cơ sở pháp lý cụ thể, gây hiểu lầm và bức xúc cho khách hàng (sở hữu nhà ở tại 2 dự án) và tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện của người dân với chủ đầu tư dự án.
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên trong giai đoạn vừa qua đã gây ra rất nhiều khó khăn, hệ lụy cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; nếu kéo dài sẽ có nguy cơ phá sản DN do bị đóng băng về dòng tiền.
Chính vì vậy, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương mong các cơ quan, ban ngành sớm xem xét các đề xuất, tháo gỡ vướng mắc.