Tại vị trí ngập, có chiếc xe tải chạy qua bị nước dâng cao, trôi dạt vô lề đường. Lực lượng Cục CSGT (C08) Bộ Công an đã hướng dẫn cho xe ra QL1 (đoạn nút giao Xuân Lộc) để tránh ùn tắc. Đến khoảng 6 giờ, nước rút nhẹ nhưng vẫn còn cao khoảng 0,5 m. Các phương tiện bắt đầu di chuyển chậm qua vị trí nước ngập, nhưng ô tô 4 chỗ, gầm thấp thì vẫn xếp hàng chờ nước rút. Và khoảng 30 phút sau, nước rút gần hết thì việc lưu thông trở lại bình thường.
Chủ đầu tư nói nguyên nhân do mưa lớn gây ngập
Ngay trong ngày 29.7, Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long (Bộ GTVT), chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã có báo cáo nguyên nhân ban đầu. Theo Ban QLDA Thăng Long, liên tục trong 2 ngày qua trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có mưa lớn. Đặc biệt, đêm 28.7, mưa liên tục với lượng mưa rất lớn, kéo dài đến 4 giờ 30 ngày 29.7, khiến cho cao tốc bị ngập sâu tới 70 cm tại lý trình Km 25+419 với chiều dài khoảng 100 m, làm cho xe cộ không lưu thông được ở cả hai chiều.
“Tình trạng ngập nước cục bộ tại lý trình Km 25+419 do lượng mưa lớn, xảy ra liên tục, nước từ hạ lưu không thoát kịp, chảy ngược lại phía thượng lưu, tràn ra đường cao tốc gây ngập cục bộ”, đánh giá của Ban QLDA Thăng Long.
Cũng theo chủ đầu tư tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, vùng hạ lưu cống Km 25+419 có mương, suối hiện hữu (nằm ngoài phạm vi dự án) thoát nước ra cầu sông Phan (Km 24+384). “Thời điểm trên ghi nhận thực tế mực nước dâng đến vị trí đáy xà mũ cầu Sông Phan”, báo cáo của chủ đầu tư nêu. Cho đến khoảng 6 giờ 30 đoạn bị ngập đã được thông xe hoàn toàn.
Thiết kế có vấn đề?
Anh Nguyễn Trung K., một tài xế chạy xe khách tuyến Phan Thiết – TP.HCM, nhận định: “Vị trí này (lý trình Km 25+419 – PV) có con suối tự nhiên, nhưng họ lại thiết kế đường thấp quá, cống thoát nước lại quá nhỏ nên khi xảy ra mưa lớn thì dẫn đến ngập úng. Tôi nghĩ nếu không sửa hệ thống thoát nước thì còn ngập nữa”.
Theo báo cáo của chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, đoạn bị ngập được thiết kế có quy mô cắt ngang 4 làn xe. Bề rộng nền đường là 25 m, độ dốc tại vị trí bị ngập Km 25+319 đến Km 24+419 là 0,8 độ; đoạn Km 25+439 đến Km 25+539 là 2,18 độ, độ dốc ngang là 2,5 độ, có siêu cao bụng đường cong phía bên trái tuyến, hai bên đầu có rãnh thoát nước 0,4×0,4 m. Ngay tại vị trí “rốn” ngập có một cống thoát nước ngang qua đường, khẩu độ 2,5×2,5 m tại Km 25+419.
Trong khi đó, theo quan sát của PV Thanh Niên tại hiện trường trưa 29.7, khi mực nước đã khô, lộ ra một cống thoát nước đi ngầm dưới đường, bùn đã lấp đầy. Vị trí bị ngập sâu (Km 25+419) nhìn như một “lòng chảo”. Cống thoát nước và đường gom dân sinh đều thấp hơn so với mặt đường cao tốc. Đây là con suối chảy ra sông Phan cách đó chừng 200 m, có từ trước. Với lưu lượng mưa lớn như đêm 28.7, trong khi cống thoát ngang qua đường rất thấp và chỉ rộng 2,5 m nên khó tránh khỏi ngập nước.
“Cống thoát quá nhỏ bé so với lưu lượng nước của con suối ở vị trí này. Trong khi đó, mặt đường cao tốc đoạn này rất thấp, võng xuống như cái lòng chảo, cho nên mưa lớn nước sẽ tràn qua đường”, một tài xế bị kẹt xe lúc rạng sáng 29.7 nói.
Trả lời Thanh Niên, Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận Nguyễn Quốc Nam cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ ngập đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, lãnh đạo Sở GTVT và các đơn vị như chủ đầu tư, thiết kế, giám sát, thi công đã có mặt để ghi nhận vụ việc. “Chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư, các đơn vị thiết kế, tư vấn, giám sát thi công có báo cáo ban đầu cho Bộ GTVT, cũng như xác định nguyên nhân ban đầu. Đầu tuần, các bên sẽ họp với địa phương để nghe phương án khắc phục tình trạng ngập nêu trên”, ông Nguyễn Quốc Nam cho biết. Đây là lần đầu tiên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây bị ngập, gây kẹt xe kéo dài kể từ ngày đưa vào khai thác hôm 28.4.2023.
Bộ GTVT yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy hôm qua (29.7) đã ký văn bản gửi Giám đốc Ban QLDA Thăng Long liên quan đến tình trạng ngập cục bộ tại cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Bộ GTVT yêu cầu Giám đốc Ban QLDA Thăng Long chủ trì, phối hợp với đơn vị vận hành, nhà thầu thi công, tư vấn, các cơ quan địa phương khẩn trương khắc phục, bảo đảm thông tuyến và xử lý triệt để, bảo đảm ổn định lâu dài đúng yêu cầu kỹ thuật của dự án. Báo cáo Bộ GTVT tình hình, nguyên nhân, giải pháp khắc phục trước ngày 3.8. Đặc biệt, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, nhất là tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra nếu có, báo cáo kết quả về Bộ GTVT.
Mai Hà