Luôn hướng về cội nguồn văn hóa, lịch sử xứ Quảng
Theo Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, trong suốt chiều dài lịch sử gần 555 năm hình thành và phát triển của danh xưng "Quảng Nam" (1471 - 2025), dù có những đổi thay về địa giới hành chính qua các thời kỳ, trải qua nhiều tên gọi, nhưng trong trái tim và hành động của mỗi người con Quảng Nam - Đà Nẵng luôn thể hiện tinh thần "chia nhưng không tách", luôn hướng về cội nguồn văn hóa, lịch sử xứ Quảng.
Trong 28 năm kể từ năm 1997, dù trở thành 2 đơn vị hành chính riêng biệt nhưng TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ, phấn đấu vì sự phát triển chung.

Một góc TP.Đà Nẵng
ẢNH: HOÀNG SƠN
Mối quan hệ hợp tác phát triển Đà Nẵng - Quảng Nam được minh chứng sinh động qua Chương trình hợp tác, hỗ trợ giữa 2 địa phương theo Kết luận 08-KL (ngày 1.11.2007) của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, triển khai từ năm 2008. Trong các năm 2016 và 2022, hai bên tiếp tục họp bàn, kết luận nhiều nội dung về liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, du lịch, xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản, phát triển giáo dục, y tế, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
Vừa qua, 2 địa phương cũng phối hợp góp ý dự thảo quy hoạch tỉnh, thành phố.
Thông tin về dự kiến sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng chỉ mới xuất phát từ cuộc họp giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Ban Thường vụ của 2 địa phương, tuy nhiên trước đó phía Quảng Nam đã khẳng định sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn, đảng bộ 2 địa phương sẽ sát cánh cùng bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong bài phân tích tại hội thảo khoa học này, PGS-TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định không gian và các điều kiện phát triển hiện tại của Đà Nẵng đang trở nên rất chật hẹp. Quỹ đất thiếu, tầm vươn biển chưa xa, thực lực chưa đủ mạnh để khai thác các không gian phát triển mới đang mở - không gian ngầm, không gian bầu trời, và đặc biệt là không gian số và các tầng công nghệ mới.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
ẢNH: S.X
Những điều kiện cơ bản cho công cuộc cất cánh thực sự - hạ tầng, nhân lực, quản trị… đang thiếu và yếu. Nhưng sau 50 năm "giành lại mình" và "khẳng định mình", Đà Nẵng đang đặt mục tiêu phải thực sự vượt qua chính mình, theo đúng nghĩa đen của từ, phải "hóa thân" để tiến cùng thời đại.
Theo ông Thiên, với thực lực được củng cố thêm bằng những bài học xương máu, Đà Nẵng đang có những lựa chọn mới cho tương lai, phù hợp với xu thế thời đại và sứ mệnh lịch sử của chính mình.
Du lịch xanh, trên nền tảng lợi thế - khác biệt và định hướng đẳng cấp quốc tế vẫn là một cấu trúc phát triển nền tảng của thành phố. Đồng thời, với cách tiếp cận phát triển đã được chứng nghiệm qua thời gian, vẫn theo tinh thần vượt trước và sẵn sàng thực hiện sứ mệnh quốc gia được giao phó, Đà Nẵng đang có những lựa chọn mới, đáng tin cậy về mặt chiến lược và mang tính khả thi.

Quảng Nam là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa độc đáo
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Định hướng mục tiêu tổng thể của Đà Nẵng là phát triển đô thị công nghệ cao, thông minh - sáng tạo, hội nhập quốc tế tầm cao. Định hướng mục tiêu này được thúc đẩy bởi một động lực thể chế đặc biệt quan trọng: cơ chế đặc thù được Trung ương "cấp" cho thành phố. Với cơ chế này, Đà Nẵng nhận được những hỗ trợ, khuyến khích đặc biệt từ Trung ương, có "cơ chế vượt trội" và được quyền đề xuất thử nghiệm "hình mẫu phát triển mới".
Hệ sinh thái mới 'không nằm trên đường kéo dài của quá khứ'
Nhận thấy tầm quan trọng của những cơ chế đặc thù, ngày 29.3 vừa qua, tại cuộc làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã kiến nghị Bộ Chính trị cho phép TP.Đà Nẵng (sau khi thực hiện hợp nhất, hình thành đơn vị hành chính mới) được tiếp tục kế thừa toàn bộ các định hướng phát triển theo các kết luận, nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; các quy hoạch đã được phê duyệt của 2 địa phương tiếp tục được thực hiện, vừa làm vừa điều chỉnh phù hợp với định hướng, quy mô mới.

Sau gần 30 tách tỉnh, diện mạo đô thị TP.Đà Nẵng ngày càng khang trang, hiện đại
ẢNH: HOÀNG SƠN
PGS-TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, một không gian cơ hội mới đang mở ra cho Đà Nẵng. Hiện nay, trong xu thế chuyển nhịp phát triển mạnh mẽ đang diễn ra trên cả nước, Đà Nẵng đang tích cực triển khai - hiện thực hóa định hướng phát triển và những cơ hội mới thành những tuyến phát triển cụ thể. Trong đó có Khu công nghệ cao, Trung tâm nghiên cứu thiết kế chip bán dẫn hiện đại, Trung tâm tài chính quốc tế - khu vực, cảng biển quốc tế Liên Chiểu, Trung tâm thương mại tự do…
Một hệ sinh thái phát triển mới, tầm cao, "không nằm trên đường kéo dài của quá khứ" đang lộ diện và được ráo riết triển khai. Yêu cầu "chớp thời cơ" đang đặt ra cho Đà Nẵng với mức độ quyết liệt chưa từng thấy; vì thế, thách thức cũng sẽ to lớn khác thường.
Đà Nẵng cần những năng lực phát triển mới, cần hệ thống thể chế mới tương xứng và một hệ điều hành - bộ máy quản trị tài năng. Đây là mục tiêu đặt ra, không phải theo nghĩa "trong khuôn khổ được quyền lựa chọn". Thách thức cao độ, chưa từng thấy, nhưng là sứ mệnh lịch sử mà Đà Nẵng phải thực hiện, phải hoàn thành.
Dưới góc nhìn văn hóa, lịch sử, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cũng đã có những phân tích thú vị.
Theo ông Tiếng, con người Đà Nẵng trong ký ức cũng là con người "Quảng Nam hay cãi". Cãi hiểu theo nghĩa không chịu ràng buộc bởi áp lực của sức ì trong tư duy. Nhờ tính hay cãi, ham tranh luận, không dễ dãi chấp nhận sự bao cấp về tư tưởng, những tín điều sẵn có hoặc những tư duy quen thuộc song đã lỗi thời... mà phần lớn người Quảng Nam - Đà Nẵng thường chịu khó đào sâu suy nghĩ, đồng thời biết ăn nói mạch lạc để bộc lộ và bảo vệ chính kiến của mình, đôi khi vô tình trở thành ngòi nổ cho các phản biện mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng
ẢNH: S.X
Theo ông Tiếng, con người Đà Nẵng trong ký ức thực chất là phiên bản của con người Đà Nẵng trong hiện tại. Con người Đà Nẵng trong tương lai thực chất cũng là phiên bản của con người Đà Nẵng trong hiện tại.
"Muốn hòa nhập mà không hòa tan trong xu thế toàn cầu hóa ở tương lai, trước mắt là phấn đấu để khát vọng đưa Đà Nẵng trở thành một nơi đáng đến và một nơi đáng sống sớm được hiện thực hóa nhãn tiền, con người Đà Nẵng trong hiện tại không thể không chủ động tiếp biến các tinh hoa của thế giới đương đại theo tinh thần khoan dung văn hóa, sẵn sàng chấp nhận thậm chí tôn trọng cái khác mình, không kỳ thị với những khác biệt về văn hóa - nói cách khác là làm thế nào để có được những thế hệ người Đà Nẵng có văn hóa. Bởi có văn hóa mới có thể khoan dung về văn hóa", ông Tiếng phân tích thêm.

Trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam, TP.Hội An sẽ là một trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Nếu biết tận dụng và phát huy, có thể sử dụng được sức mạnh tổng hợp
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 31.3, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nhìn nhận việc sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng về cơ bản là hợp lý.
"So với mấy chục năm trước thì bây giờ trình độ quản trị quản lý của cán bộ nói chung đã được nâng lên, hạ tầng và phương tiện cũng khá hơn nhiều, nước ta giảm bớt đầu mối cũng là cần. Mặt khác, quy mô lớn hơn cũng góp thêm cho tầm nhìn rộng hơn trong quản trị, và một đầu mối thì dễ tổ chức phối hợp hơn trong thực hiện chiến lược quy hoạch so với nhiều đầu mối. Đó là nói chung về cơ bản, còn một số nội dung cụ thể thì cần góp ý kiến thẳng thắn mới có thể hoàn thiện...", ông Hoàng nói.
Ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, sau khi sáp nhập, nếu biết tận dụng và phát huy thì có thể sử dụng được sức mạnh tổng hợp của cả hai bên. Còn nếu không biết tận dụng và phát huy thì sẽ vướng nhau, trở ngại hơn. Việc đó còn phụ thuộc vào việc chọn đội ngũ cán bộ quản lý thế nào. Cán bộ kém mà quy mô to hơn thì khó làm tốt, không phải trong mọi trường hợp cộng lại đều mạnh lên.

Ông Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ xoay quanh câu chuyện sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Quảng Nam và Đà Nẵng sau năm 1975 đã có thời kỳ là một, cũng trải qua nhiều lần tách - nhập. Ngày ấy nói chung các mặt kinh tế công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển được (trừ sản xuất lương thực có tiến bộ đáng kể), sau khi tách ra thì cả hai đều phát triển mạnh, nhất là Quảng Nam.
"Nhập lại không phải để mà nhập, mà mục đích quan trọng nhất là để phát triển hơn. Tổng Bí thư đã chỉ đạo thế. Thủ tướng cũng đã nói thế. Mà thế mới là đúng hướng", ông Vũ Ngọc Hoàng khẳng định.

Ông Vũ Ngọc Hoàng trao đổi với PV Thanh Niên
ẢNH: C.M
Ông Vũ Ngọc Hoàng cũng chia sẻ về yếu tố phụ thuộc bởi những người lãnh đạo mới, về nguồn lực chất xám để phát triển mạnh hơn, về sự cân nhắc đặt tên của đơn vị hành chính sau sáp nhập ..., đặc biệt là về yếu tố văn hóa. Theo ông, Quảng Nam và Đà Nẵng về bản sắc đều là văn hóa xứ Quảng, cơ bản không có khác biệt nhiều, cùng một gốc, cùng tổ tiên.
"Sáp nhập không ngại đánh mất bản sắc văn hóa của mỗi bên. Tại vùng đất này, theo tôi bản sắc văn hóa nổi rõ và tiêu biểu nhất là Hội An, vừa bền vững vừa thoáng mở, nhẹ nhàng và chắc chắn, chân thật mà tế nhị. Tôi mong muốn văn hóa Hội An lan tỏa ra Đà Nẵng và cả tỉnh Quảng Nam. Được thế là rất tốt. Tất nhiên Hội An cũng vẫn cần luôn luôn bảo tồn và hoàn thiện", ông Hoàng chia sẻ.
Ông Vũ Ngọc Hoàng cũng mong rằng, sau khi sáp nhập, Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ có một môi trường văn hóa và môi trường đầu tư tốt, để có nhiều nhà đầu tư chọn vùng đất này để hoạt động sáng tạo và sinh sống.