Một chiều đầu tháng 6, Mai Linh Chi (21 tuổi, sinh viên Trường cao đẳng FPT) rời phòng trọ đến trường, cách nơi cô đang ở khoảng 9 km. Điểm dừng xe buýt cũng không xa, cách phòng trọ khoảng 200 - 300 m đi bộ, nằm ngoài phố Trung Kính (P.Trung Hòa, Hà Nội).
Cùng em gái sống trong phòng trọ khoảng 20 m² của một căn nhà ống nằm ở con ngõ nhỏ có đoạn bóp thắt lại chỉ đủ 2 xe máy tránh nhau trên ngõ 43 Trung Kính (Q.Cầu Giấy), hơn 2 năm qua, Linh cảm thấy rất thoải mái. Dù trong ngõ sâu, cô cũng bằng lòng vì đi bộ vài trăm mét ra mặt đường là có đầy đủ tiện ích phục vụ sinh hoạt, ăn uống...
Thế nhưng, sự bằng lòng với nơi đang ở trọ trong Linh đã bị "đập tan". Sau vụ cháy chung cư mini khiến 56 người thiệt mạng ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) hồi tháng 9.2023, chưa bao giờ Linh lại nghĩ chỉ gần 1 năm sau, ngay trong ngõ nhỏ nơi mình thuê trọ cũng xảy ra vụ cháy nhà trọ thảm khốc khiến 14 người tử vong…
Từ sau vụ cháy nhà trọ vào rạng sáng 24.5, Linh mới để ý xem nơi mình ở trọ có đặc điểm như thế nào. Ngôi nhà 5 tầng sống chung với chủ, từ tầng 3 đến tầng 5 được tận dụng để cho thuê. Mỗi tầng có khoảng 2 phòng, mỗi phòng 2 - 3 người ở. Đáng lưu ý hơn, khu nhà trọ này chỉ có một lối thoát hiểm nhỏ trên tầng 5, nếu xảy ra hỏa hoạn thì Linh cũng tự thấy mình "không chạy kịp".
"Tôi rất lo lắng vì lối thoát hiểm rất nhỏ trong khi nhà có nhiều người, hơn nữa ở bên ngoài lối thoát hiểm còn có dây điện chắn ngang, chưa chắc lúc cháy đã trèo được ra để thoát thân. Trong khi đó, ngôi nhà nằm trong ngõ rất nhỏ, xe cứu hỏa không thể vào được", Linh nói và cho hay sau vụ cháy gần nhà, cô mới để ý đến lối thoát hiểm của nhà trọ bởi trước đây cô chỉ lưu tâm chọn những phòng trọ có giá hợp lý và ở gần trung tâm để tiết kiệm chi phí.
"Bố mẹ ở quê cũng biết về vụ cháy nhà trọ ở ngõ này nên liên tục gọi điện bảo tôi phải chuyển đi nơi khác, không ham phòng trọ giá rẻ nữa. Phải tìm phòng rộng và có lối thoát hiểm, đắt hơn cũng không sao", Linh kể lại.
Thường trực nỗi ám ảnh
Tâm trạng của Linh cũng giống như nhiều sinh viên, người lao động ngoại tỉnh khác đang thuê trọ trên địa bàn TP.Hà Nội. Với những người sống trong các ngõ sâu, họ cảm thấy bị ám ảnh khi chứng kiến những vụ hỏa hoạn thương tâm.
Số liệu thống kê thể hiện, trên toàn địa bàn TP.Hà Nội có 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Trong đó, riêng Q.Cầu Giấy có 3.328 cơ sở cho thuê trọ, trong đó 2.822 cơ sở không đảm bảo điều kiện lối thoát nạn nếu có hỏa hoạn, sự cố cháy nổ xảy ra.
Tuy vậy, nhiều người vẫn lựa chọn ở tại những căn phòng chật chội nằm sâu trong ngõ ngách nhỏ, thay vì những khu vực rộng rãi hơn trong nội thành, vì vấn đề giá thuê. "Ở đây thuận tiện vì gần chợ, trường học, đi ra các nơi khác ở Hà Nội cũng gần. Hơn nữa, tôi mới đi làm được một năm nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó", chị Nguyễn Như Quỳnh (24 tuổi, quê Hải Dương) nói.
Chuyển đến khu nhà trọ nằm sâu trong hẻm 23, ngách 62 phố Bùi Xương Trạch (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân) gần 2 năm nay, chị Quỳnh chọn thuê căn phòng trọ rộng 25 m² trong ngôi nhà 5 tầng với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Với cô, căn phòng này có giá rẻ hơn so với mặt bằng chung tại Hà Nội. Mặc dù biết nhà trọ nằm trong ngõ sâu, cách đường lớn khoảng 500 m và bản thân cũng từng bị ám ảnh bởi vụ hỏa hoạn khiến 56 người chết xảy ra ngay gần nhà, nhưng chị Quỳnh vẫn không có ý định chuyển đi nơi khác.
"Nhà tôi trọ không có lối thoát hiểm trên sân thượng nhưng có vài phòng có ban công. Nếu xảy ra cháy thì tôi sẽ chạy lên các phòng có ban công để đu dây xuống. Lúc mới xảy ra vụ cháy gần nhà, tôi đã từng có ý định chuyển đi, nhưng thấy mình ở đây cũng quen rồi nên đành ở lại", chị Quỳnh nói và cho biết thêm, từ khi xảy ra vụ cháy gần nhà, các phòng đều mua bình cứu hỏa, mặt nạ, thang dây để phòng sự cố. Tuy nhiên, các vật dụng này chỉ phát huy tác dụng khi phát hiện hỏa hoạn kịp thời.
"Hỏa hoạn thì chịu thôi"
Cùng nằm trong ngách 62 Bùi Xương Trạch và chỉ khác 1 con hẻm nhưng nhà ông Nguyễn Văn Tĩnh lại cách nhà chị Nguyễn Như Quỳnh hàng trăm mét bởi những con hẻm dài "bất tận". Từ hẻm này có thể thông sang hẻm khác giống như mê cung khiến nhiều người lần đầu đến đây không thể tự tìm được địa chỉ mình cần. Thậm chí, đã có trường hợp tài xế xe công nghệ, shipper phải hủy đơn hàng vì không tìm ra địa điểm dù đã đi theo định vị của ứng dụng bản đồ Google Maps.
Theo ông Tĩnh, cách đây khoảng 5 năm, dù vị trí nhà ông trong ngõ sâu nhưng đi lại rất thuận tiện, khác hẳn bây giờ, ở trong ngõ nhỏ nhưng liên tục xảy ra tắc đường vì lượng người đổ về ngõ 1 Bùi Xương Trạch quá lớn. Mật độ dân số quá đông dẫn đến mọi thứ ở khu này đều quá tải, đe dọa an toàn của người dân. Ông lấy ví dụ trong vòng 1 năm cột điện cạnh nhà ông bốc cháy 2 lần vì quá tải, dẫn đến chập cháy.
"Vụ cháy thứ nhất xảy ra lúc 23 giờ, cách đây 2 năm. Khi đang làm hàng thì tôi nghe thấy tiếng nổ rồi mất điện. Chạy ra ngoài thấy cột điện bốc cháy, lửa sắp lan vào nhà. Sử dụng hết một bình chữa cháy nhưng không dập được lửa, tôi đánh liều chạy lên tầng dùng nước hất vào, rất may sau đó lửa được dập tắt", ông Tĩnh nhớ lại.
Vài tháng sau vụ cháy đó, cột điện tiếp tục quá tải và bốc cháy. Lần này, thời gian cháy cũng xảy ra buổi tối. Do phát hiện kịp thời nên ông Tĩnh cùng hàng xóm dùng bình cứu hỏa dập lửa thành công.
"Cả 2 vụ cháy, chúng tôi đều gọi bên điện lực, nhưng dập cháy xong lâu rồi họ mới đến. Do đó, tôi nhận ra rằng nếu sống trong ngõ này mà có cháy xảy ra thì tự mình phải cứu lấy mình, vì nhà cách đường lớn ít nhất 300 m, xe cứu hỏa chắc chắn không thể vào được", ông Tĩnh nói thêm.
Quá trình "làng lên phố", cùng với thực trạng "tấc đất tấc vàng" đã khiến nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy… có những ngõ nhỏ như một mê cung, dài "bất tận" bởi các công trình mọc san sát nhau. Còn vào các quận "lõi", nhiều ngõ nhỏ dù cách mặt phố lớn chỉ vài chục mét thì lại thuộc diện "không bao giờ có ánh mặt trời".
Trên phố Hàng Bồ (Q.Hoàn Kiếm), con ngõ số 69 thường xuyên trong tình trạng tối tăm do không có ánh sáng tự nhiên. Để vào trong ngõ, người có chiều cao trung bình cũng phải cúi đầu, hơi nghiêng người mới có thể đi được. Tương tự là ngõ 25 Hàng Điếu (Q.Hoàn Kiếm). Trong con ngõ nhỏ là căn nhà 10 m² của bà Lê Thị Thìn (88 tuổi), hiện đang sinh sống cùng con cháu. Bà Thìn đã ở đây được 60 năm, đến nay muốn bán nhà để chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng do nhà không có bếp và khu vệ sinh riêng nên không có người hỏi mua. "Bây giờ mua nhà họ cũng phải tìm nhà nào an toàn để ở. Ở đây nếu có hỏa hoạn thì chịu thôi, không có lối thoát", bà Thìn bày tỏ.
3.172 nhà trọ ở Cầu Giấy không có lối tiếp cận cho xe chữa cháy
Kết quả tổng rà soát của Q.Cầu Giấy cho thấy, địa bàn này có 3.328 nhà trọ nhưng chỉ có 153 cơ sở có đăng ký kinh doanh thuê trọ. Kết quả kiểm tra an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ đối với các nhà trọ thể hiện có 3.172 cơ sở không có lối tiếp cận cho xe chữa cháy. Về tiêu chí lối thoát nạn, có 2.822 cơ sở không đảm bảo. Về tiêu chí hệ thống báo cháy, có 2.961 cơ sở không đảm bảo. Về tiêu chí hệ thống chữa cháy, có 2.717 cơ sở không đảm bảo. Đặc biệt, về vấn đề bố trí lối ra khẩn cấp, chỉ có 973 cơ sở đã khắc phục được, còn 1.680 cơ sở chưa khắc phục.