Vi phạm tràn lan
Giữa tháng 4.2024, qua nắm tình hình, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiến hành kiểm tra hệ thống "thẩm mỹ viện Hàn Quốc chuyên điều trị giãn tĩnh mạch bằng công nghệ cao độc quyền" (đường Nguyễn Thị Thập, P.Tân Hưng, Q.7). Thanh tra Sở Y tế ghi nhận mặt tiền cơ sở này có treo bảng hiệu Cheongdam Dong cùng các dòng chữ tiếng Hàn Quốc. Ngay thời điểm kiểm tra, cơ sở này không chấp hành, không hợp tác với đoàn kiểm tra cho đến khi có lực lượng chức năng địa phương đến phối hợp.
Quản lý cơ sở chỉ xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với ngành nghề dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khỏe tương tự. Cơ sở này hoàn toàn không có giấy phép hoạt động KCB, các nhân viên tại đây không có chứng chỉ hành nghề liên quan đến y tế, nhưng ngang nhiên quảng cáo và tiếp nhận khách hàng đến tư vấn, điều trị phục hồi giãn tĩnh mạch. Thanh tra Sở Y tế cho biết đang phối hợp, tổng hợp xử lý và sẽ xử phạt vi phạm.
Tương tự, ngày 17.5 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra cơ sở trên đường Ngô Quyền, P.5, Q.10, chuyên "điều trị giảm béo chuẩn y khoa". Thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở xuất trình giấy phép đăng ký hộ kinh doanh dịch vụ chăm sóc da (không phẫu thuật, không gây chảy máu) tại tầng 2 và tầng 4 của tòa nhà. Đồng thời, tại các tầng còn lại (tầng trệt, tầng 1, tầng 3) là địa điểm hoạt động của Công ty TNHH ChungNam Korea, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở KH-ĐT TP.HCM với ngành nghề hoạt động là các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa.
Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM cho biết chưa cấp bất kỳ giấy phép hoạt động KCB nào tại địa chỉ nói trên. Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở chỉ được hoạt động lĩnh vực KCB khi có giấy phép hoạt động KCB và yêu cầu tháo gỡ các poster có nội dung quảng cáo trái phép. Thanh tra Sở Y tế tiếp tục mời chủ hộ kinh doanh làm rõ các nội dung hoạt động tại cơ sở để xử lý vi phạm cụ thể.
Trước đó, ngày 14.5, Sở Y tế TP.HCM cho biết qua phản ánh của người dân, Thanh tra Sở Y tế kiểm tra hoạt động hộ kinh doanh Ulsan Korea (trên đường Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10). Qua kiểm tra, cơ sở này chỉ có giấy phép đăng ký kinh doanh ngành nghề là dịch vụ làm tóc, chăm sóc da không bao gồm dịch vụ chăm sóc da gây chảy máu, tổn thương da, giải phẫu thẩm mỹ, không dùng kỹ thuật cao do UBND Q.10 cấp. Cơ sở này chưa được Sở Y tế TP.HCM cấp giấy phép hoạt động KCB, phẫu thuật thẩm mỹ.
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở treo biển có hình ảnh bác sĩ và các nội dung quảng cáo như "kỷ nguyên làm đẹp mới chuẩn Hàn, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa, công nghệ hiện đại, phác đồ riêng biệt, cam kết an toàn hiệu quả, +5.000 khách hàng hài lòng"… Bên cạnh đó, cơ sở còn có các tài khoản mạng xã hội Facebook "Thẩm mỹ viện quốc tế Ulsan Korea", "Viện thẩm mỹ công nghệ cao Ulsan Korea" có đăng tải các nội dung hút mỡ bắp tay, hủy mỡ công nghệ Sculp Super 4.0...
Làm việc với Thanh tra Sở Y tế, đại diện cơ sở này không xuất trình được những giấy tờ theo quy định. Đoàn kiểm tra đề nghị cơ sở ngưng sử dụng các máy laser và niêm phong các máy móc, thiết bị để tiếp tục xác minh, xử lý. Ngoài ra, đoàn yêu cầu cơ sở gỡ toàn bộ các biển quảng cáo tại cơ sở và trên trang mạng xã hội...
Theo thanh tra Sở Y tế TP.HCM, để có những cơ sở KCB "chui" thì nguyên nhân gốc rễ là các lò đào tạo "bác sĩ dỏm". Chính vì vậy mà mới đây Sở Y tế và Sở LĐ-TB-XH TP.HCM ký kết hợp tác về nhiều nội dung liên quan đến y tế, trong đó có quản lý đào tạo liên quan đến y tế.
Cụ thể, ngày 14.5, Thanh tra Sở Y tế và Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM lập đoàn kiểm tra đột xuất cơ sở treo biển hiệu Green Skin Center (trên đường Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình). Đoàn phát hiện nơi này đào tạo tiêm filler, botox trái phép. Ngoài ra, cơ sở này còn quảng cáo cam kết học tiểu phẫu cấp tốc "bao ra nghề" từ 3 - 5 ngày, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hơn 15 năm kinh nghiệm đào tạo 1 kèm 1, bao vật tư, bảo mẫu thực hành tại Green Skin Center.
Tương tự, cơ sở quảng cáo trên Facebook có tên "Thẩm mỹ viện Chaewon" (đường Hoa Lan, P.2, Q.Phú Nhuận) tổ chức khóa học tiêm môi không đau, thực hành tiêm botox chuẩn y khoa, dịch vụ nâng mũi chỉ collagen, tiêm combo full face… Khi Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, chủ cơ sở đã khóa cửa, chống đối không cho đoàn vào làm việc. Sau nhiều giờ, đoàn kiểm tra mới có thể tiếp cận làm việc và ghi nhận có nhiều học viên, thiết bị, dụng cụ y tế tại cơ sở này. Đoàn kiểm tra đề nghị chủ cơ sở chấm dứt quảng cáo, tổ chức các khóa đào tạo liên quan tiêm filler, botox không phép; tháo gỡ các nội dung quảng cáo tiêm filler, botox trên trang thông tin điện tử và hình ảnh quảng cáo tại cơ sở…
Chủ động xử lý phòng khám "chui"
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 6.6, Thanh tra của Sở đã thực hiện 227 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 146 tổ chức và 81 cá nhân. Trong đó, đã ban hành 190 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (100 tổ chức và 90 cá nhân) với số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 8,6 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: cung cấp dịch vụ KCB mà không có giấy phép hoạt động KCB; KCB khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề KCB; quảng cáo dịch vụ KCB khi chưa có giấy phép hoạt động KCB hoặc chứng chỉ hành nghề KCB...
Liên quan đến các cơ sở hoạt động thẩm mỹ (chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; chuyên khoa da liễu; lĩnh vực dịch vụ thẩm mỹ như spa, chăm sóc da, thẩm mỹ viện, cắt tóc, gội đầu, phun xăm…), Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và ban hành 90 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (45 tổ chức và 45 cá nhân), với số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,8 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm tương tự như trên.
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhìn nhận các phòng khám "chui" gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cả kinh tế của người dân. Các phòng khám "chui" hoạt động có thể không có bất cứ giấy tờ pháp lý nào, hoặc chỉ có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (spa, chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp...), giấy chứng nhận đăng ký công ty (có mã ngành, nghề kinh doanh liên quan đến y tế nhưng không được Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM cấp giấy phép hoạt động)... Ngoài ra, có trường hợp cơ sở y tế có giấy phép hoạt động của Sở Y tế trong phạm vi một chuyên khoa nhất định, nhưng lại triển khai các dịch vụ "chui" khác không được phép hoặc một địa chỉ nhưng cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau của những ngành, nghề kinh doanh khác nhau với nhiều giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khác nhau nên dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng dịch vụ.
Theo PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, để tăng cường hiệu quả trong giải quyết vấn đề này, Sở Y tế TP.HCM cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như Công an TP.HCM, Sở TT-TT, Sở KH-ĐT, UBND quận, huyện, quản lý thị trường, người dân và báo chí... Bên cạnh đó, còn cần sự hợp tác, phối hợp của các nền tảng mạng xuyên biên giới cũng như sự cảnh giác, xem xét kỹ lưỡng thông tin quảng cáo của cộng đồng người tiêu dùng. Thanh tra Sở Y tế cũng đã lập danh sách các cơ sở hoặc địa chỉ có những vi phạm lặp lại, coi thường pháp luật để tiến hành hoạt động kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và xử lý nghiêm hoặc chuyển đến cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Để chủ động "tấn công" cơ sở KCB "chui", trái phép, Sở Y tế lập tổ công tác đặc biệt xử lý quảng cáo trái phép, vì hầu hết các cơ sở này tiếp cận khách hàng thông qua quảng cáo trên mạng xã hội. Tổ công tác đặc biệt hoạt động liên tục nhằm lắng nghe thông tin, các thảo luận trên mạng xã hội, website… Từ đó phối hợp xác minh, nhận định và ra quyết định kiểm tra thực tế. Tổ công tác này giao ban vào các ngày trong tuần từ 7 giờ 30 đến 8 giờ, giám đốc hoặc phó giám đốc Sở Y tế chủ trì và chỉ đạo.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết đây là cách làm mới xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân. "Cũng bao nhiêu con người đó nhưng với cách làm mới này (lập tổ công tác đặc biệt - PV) giúp thổi ngọn lửa nhiệt huyết tất cả vì lợi ích chung của xã hội, của người dân. Kết quả thật sự khích lệ, từng bước đã chuyển từ thế bị động sang thế chủ động trong việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội và KCB trái phép", PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đánh giá.
Liên tục tai biến thẩm mỹ chết người
Từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn TP.HCM có ít nhất 3 vụ tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) dẫn đến chết người. Ngoài ra còn một số tai biến khác ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dân.
Trường hợp thứ nhất, ngày 13.3, nữ bệnh nhân (BN) N.T.T.L (70 tuổi) đến Bệnh viện (BV) thẩm mỹ JK Nhật Hàn (Q.1, TP.HCM) để PTTM căng da mặt cổ, phẫu thuật thừa da mi dưới. Cùng ngày, BN rơi vào lơ mơ, kích thích, tim rời rạc nghi ngộ độc thuốc tê, sốc phản vệ và được hồi sức tích cực. Do quá khả năng điều trị, BV này đã chuyển BN đến BV Quân y 175 nhưng BN đã tử vong do tình trạng nặng.
Trường hợp thứ hai, ngày 27.3, nữ Việt kiều Mỹ 64 tuổi đến BV Tân Hưng (Q.7) để PTTM hút mỡ bụng toàn phần, hút mỡ eo, đùi và cánh tay; tái tạo thành bụng phức tạp; cấy mỡ vùng mông; cắt da thừa mí mắt; thay túi độn ngực 2 bên. Sau 3 ngày hậu phẫu, BN đột ngột than chóng mặt, tay chân đổ mồ hôi, khó thở. Dù được hồi sức tích cực nhưng BN rơi vào hôn mê, thở máy… BN được chuyển đến BV Quân y 175 với chẩn đoán suy đa cơ quan nghi do phản vệ độ 3, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi do huyết khối. BN được hồi sức tích cực như ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu liên tục, thay huyết tương, thở máy… Đến ngày 3.5 (tức sau 34 ngày nhập viện), BN tử vong.
Mới nhất ngày 4.6, nữ bệnh nhân N.T.T.H (33 tuổi, ở Tây Ninh) đến Thẩm mỹ viện TIH (86 - 88 Pasteur, P.Bến Nghé, Q.1) để PTTM nâng mũi. Sau 5 phút tiêm thuốc tê ở vành tai thì bệnh nhân than nhìn mờ, đắng miệng, tê quanh miệng. Thẩm mỹ viện TIH xử trí bằng thuốc chống rối loạn lo âu và thuốc vận mạch. BN được hồi sức và chuyển đến BV Nhân dân 115. BN được chạy ECMO nhưng tử vong vào tối cùng ngày. Vụ việc đã được Sở Y tế chuyển cơ quan công an điều tra.
Sở Y tế TP.HCM cho biết đang tiếp tục củng cố hồ sơ những ca tai biến do PTTM gây ra. Trường hợp có đủ chứng cứ về các sai phạm tại phòng khám dẫn đến sự cố y khoa nghiêm trọng, Thanh tra Sở Y tế sẽ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo thẩm quyền.